Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra cho ngành giáo dục nước ta một nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là đào tạo một lớp người có đủ phẩm chất và năng lực thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia phát triển kinh tế, văn hoá xã hội một cách bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, ngành giáo dục cần phải đổi mới toàn diện, triệt để cả về nội dung, chương trình, phương pháp và hình thức giáo dục đào tạo.

Vấn đề đổi mới giáo dục đã được đưa vào nghị quyết của các Đại hội Đảng IX, X, XI và được thể chế hoá bằng Luật Giáo dục. Đặc biệt nghị quyết 29-NQ/TW đã xác định phải đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã chỉ rõ, triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động, sáng tạo và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học. Như vậy, mục tiêu đào tạo ở các trường đại học không chỉ là mang lại cho sinh viên kiến thức khoa học và kỹ năng nghề nghiệp, mà quan trọng hơn là trang bị cho họ phương pháp học tập, hình thành khả năng thích ứng xã hội, trở thành người có năng lực lao động sáng tạo và biết cách học tập thường xuyên, học tập suốt đời.


Kỹ năng học tập luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập trong các nhà trường, nó quyết định chất lượng học tập của mỗi sinh viên. Có rất nhiều kỹ năng học tập, một trong những kỹ năng học tập có thể mang lại hiệu quả cao trong học tập đó là KNHTHT. Bởi, hợp tác là một phẩm chất quý báu của người lao động. Đặc biệt, càng quan quan trọng hơn trong xã hội hiện đại, nó là mục tiêu của giáo dục (học để cùng chung sống), giúp mỗi người có thể hòa nhập cộng đồng xã hội, để tiến bộ, thành đạt trong cuộc sống và nghề nghiệp tương lai.

Đối với SVSP, KNHTHT còn tác động lâu dài tới sự phát triển nghề nghiệp của họ, ảnh hưởng trực tiếp chất lượng giảng dạy ở trường phổ thông nơi họ công tác sau này. Bởi, các tác động giá trị xã hội đương đại như kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thông tin phát triển nhanh chóng, phức tạp đang đòi hỏi một nhu cầu cấp thiết những giáo viên phải có những KNHTHT và truyền đạt những KNHTHT. Họ phải là người chủ động, tích cực biết thiết lập các tinh thần hợp tác và các ý tưởng sáng tạo ngay trong nhà trường phổ thông để thực hiện trọng trách là người đào tạo lực lượng những chủ nhân tương lai cho đất nước, biết làm chủ những kỹ năng công nghệ cao và có khả năng thiết lập những cơ sở hợp tác xã hội như trong sản xuất, dịch vụ, tài chính, kinh doanh...

Dạy học theo hướng phát triển KNHTHT cho SV trong các trường ĐHSP hiện nay về mặt lý thuyết chưa được nghiên cứu đầy đủ, về mặt thực tiễn ở các trường đại học chưa được vận dụng đúng mức. Chưa có quy trình và biện pháp hữu hiệu nâng cao việc thực hiện dạy học theo hướng phát triển KNHTHT cho SV Sư phạm. Mối quan hệ thầy - trò vẫn mang nặng tính “quyền uy, thứ bậc”, SV không dám chủ động giao tiếp, trao đổi... làm giảm đi sự hài hoà, mật thiết trong môi trường giáo dục mà lẽ ra cần phải thân thiện.

Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu và kinh nghiệm giảng dạy ĐHSP nhiều năm, chúng tôi muốn làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực trạng của dạy học theo hướng phát triển kỹ năng học tập hợp tác của sinh viên sư phạm từ đó giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục quan tâm có thể vận dụng tốt trong quá trình giảng dạy của mình.

Dù chúng tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng chắc chắn cuốn sách không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong sự thông cảm và đóng góp ý kiến của các độc giả và các nhà khoa học.

                                                                                                                                                                                                                                                                                      TÁC GIẢ