Sự thực, tôi không biết Từ Công Hải làm thơ từ lúc nào và vào lúc nào khi vừa thôi  cái chức Chánh Văn phòng Thành ủy, phải lo đủ trăm thứ bà rằn giờ lại phải quay sang lo cái phận sự mới: Giám đốc Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hà Tĩnh. Chỉ nhớ cách đây vài năm, trang website của Hội có giới thiệu một chùm thơ viết về quê của anh, mới biết anh có duyên nợ với thi ca.



Vầng trăng mong chờ của Hải gồm 50 bài trong gần 100 bài anh đã viết. Anh bảo lựa chọn con số này để kỷ niệm một dấu mốc quan trọng của đời người khi bắt đầu bước vào tuổi “tri thiên mệnh”. Có người bảo tuổi năm mươi là cái tuổi đứng chon von trên đỉnh đốc, mang tâm thế của người còn đôi chút háo hức để bứt lên nhưng cũng là lúc có thể ngoái cổ mà nhìn lại một chặng đường đã qua với bao chiêm nghiệm. Trong tập, có đưa thêm bài hồi ký của Nhà văn Nguyễn Thị Cúc viết về những kỷ niệm sâu sắc, cảm động của một thời với tác giả Từ Công Hải.

Thơ Hải viết về nhiều đề tài nhưng có thể nhận thấy rõ trong tập thơ đầu tay này vài ba nguồn mạch chính. Trước hết đó là tình cảm đằm thắm nồng nàn mà anh dành cho quê hương xứ sở, gia đình với sự tri ân nguồn cội. Về mảng này, tác giả vừa muốn níu giữ lấy một hình bóng quê hương chịu thương chịu khó trong quá khứ nhưng luôn là cái điểm tựa tinh thần cho hiện tại (Xứ Nghệ trong tôi, Em có về Hà Tĩnh với anh không,...), vừa mừng vui về những biến đổi diệu kỳ trên mảnh đất mà mình từng gắn bó vừa đan xen nỗi lo sợ sẽ đánh mất những điều quý giá đã trở thành máu thịt (Hà Tĩnh quê tôi, Ký ức, Thành phố quê tôi... Một thời nông nổi, Bến đò Hộ Độ...). Trong cái mạch chung này, còn có thêm chùm thơ viết về những người thân: Vầng trăng mong chờ, Nghề giáo, Giận, Con, Bạn...).

Nguồn mạch thứ hai tuôn chảy trong thơ Hải là những ký ức một thời hiện về làm anh vật vã, bâng khuâng, hoài niệm trong sự nhớ nhung, giận hờn, tiếc nuối (Vô đề, Tình cũ, Dấu giày, Lỡ...). Có lẽ xuất phát từ đây mà xuất hiện một gam màu buồn đến da diết trong thơ Hải mà có khi người đọc và cả chính tác giả cũng “không hiểu vì sao tôi buồn” (Thu, Gió, Mưa, Mây, Cô đơn, Khạo khờ, Một mình, Buồn, Thao thức, Hư vô...)

Ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, những trải biết cá nhân đã nhập vào thơ Hải như một dòng thế sự để tác giả bộc lộ những cảm xúc, những suy nghĩ về sự đúng sai khi luận bàn về lẽ đời, tình yêu, các bậc thang giá trị (Giàu nghèo, Gái gọi, Đạo đức và đồng tiền, Đống gạch, Đất và cây, Đào, Đường, Bế tắc, Đời...). Ở mạch này, chắc đôi khi vì quá mải lý sự nên một số bài còn chưa đủ độ chín và sự thăng hoa của cảm xúc nên hơi bị khô khan, khiên cưỡng.

Vầng trăng mong chờ đã có mặt trên tay bạn. Dù ít, dù nhiều, hy vọng vầng trăng ấy sẽ tỏa sáng, soi tỏ được điều gì đó mà tác giả đang muốn bày tỏ với mọi người và với chính mình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Thành Sen, đầu Hạ năm 2016

Nhà văn Phan Trung Hiếu

Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Tĩnh