(TG)-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đề nghị cần tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế của Nhà xuất bản một cách thấu tình, đạt lý; chỉ đạo, định hướng các Nhà xuất bản có kế hoạch, lựa chọn đề tài thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ, sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ lớn trong năm, bảo đảm tính tư tưởng, tính khoa học, sự đa dạng, hấp dẫn của các xuất bản phẩm, phấn đấu có nhiều sách hay phục vụ bạn đọc, đồng thời cũng nâng cao hiệu quả kinh tế của Nhà xuất bản.

Ngày 29-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2014. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Các cơ quan chủ quản, nhà xuất bản đã chủ động, tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin

Năm 2014, công tác tư tưởng - văn hóa nói chung, xuất bản nói riêng triển khai trong bối cảnh có những thuận lợi khá cơ bản, nổi bật là tình hình chính trị ổn định, an ninh - xã hội bảo đảm, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-1025 và các giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây cũng là năm tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Trong nước, lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế có bước tăng trưởng vượt dự báo nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Còn phải dành nhiều thời gian và công sức để đối phó với thiên tai, dịch bệnh và các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị - xã hội, đe dọa chủ quyền quốc gia. Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặt công tác xuất bản trước những yêu cầu mới, phức tạp. Trong điều kiện đó, với sự tập trung, cố gắng, nỗ lực cao độ, các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản (NXB), ngành Xuất bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Quán triệt các Quyết định 281, 282, 283 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về công tác xuất bản, các cơ quan chủ quản đã chủ động, tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin, phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý định hướng Nhà xuất bản thực hiện tôn chỉ, mục đích thông qua công tác xét duyệt kế hoạch đề tài xuất bản trong năm; qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn hoạt động xuất bản.

Trên cơ sở đó, đa số các nhà xuất bản đã bám sát định hướng chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các nội dung tuyên truyền trọng tâm của năm như: triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã được các Nhà xuất bản thực hiện tốt, góp phần quan trọng, tạo sự ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng thời gian qua. Một số Nhà xuất bản đã xuất bản được các Tủ sách, bộ sách vừa đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa là những công trình nghiên cứu, lý luận có giá trị lâu dài. Tiêu biểu như các tủ sách về bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế biển, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, học tập và làm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các vấn đề về  hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế...

Trong điều kiện khó khăn, bị ràng buộc bởi các qui định về sử dụng ngân sách, một số cơ quan chủ quản đã có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Nhà xuất bản trong đơn vị mình, từ đó tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị (trụ sở, trang thiết bị làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin...), đẩy mạnh triển khai các nguồn sách đặt hàng, sắp xếp, ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng, tạo điều kiện cho nhà xuất phát triển.

Với 46/63 nhà xuất bản đủ điều kiện về trụ sở, 18/63 nhà xuất bản đủ điều kiện về vốn, tuy còn rất hạn chế, song kết quả đó cũng cho thấy một nỗ lực rất lớn của các cơ quan chủ quản trong chủ động tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, đầu tư, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản. Chính bằng sự quan tâm thiết thực này, nhiều nhà xuất bản đã vượt qua khó khăn, vươn lên, có bước phát triển ổn định, vững chắc, đóng góp chung vào bước phát triển của toàn ngành. Trên 28.000 đầu sách, xấp xỉ 369 triệu bản là những kết quả rất đáng ghi nhận của Ngành Xuất bản trong điều kiện nhiều khó khăn hiện nay. 

Cơ quan chủ quản làm tốt công tác chỉ đạo thực hiện tôn chỉ mục đích cho nhà xuất bản

Thảo luận về công tác chủ quản năm 2014, đồng chí Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, việc chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm, sự quan tâm, nhận thức và tầm nhìn của chủ quản. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, thời gian qua, nhiều cơ quan chủ quản đã làm tốt công tác chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thể hiện qua một số kết quả cơ bản sau:

Công tác chỉ đạo nhà xuất bản trực thuộc xây dựng chiến lược phát triển trung hạn, dài hạn được quan tâm hơn. Một số cơ quan chủ quản đã xây dựng được cơ chế giám sát, phân công một đồng chí lãnh đạo thường xuyên theo dõi việc tổ chức thực hiện định hướng kế hoạch của nhà xuất bản trực thuộc, giải quyết kịp thời những bức xúc của đơn vị. Một số cơ quan chủ quản đã thành lập bộ phận tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan chủ quản trong việc chủ động, chỉ đạo, định hướng hoạt động xuất bản, xét duyệt kế hoạch đề tài xuất bản, tài trợ cho các tác phẩm chính trị, lịch sử truyền thống, văn hóa, văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn… của các tác giả địa phương. Điển hình là tỉnh Đồng Nai đã thành lập Hội đồng tư vấn xuất bản của tỉnh, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND. Nhờ đó, nhiều nhà xuất bản đã có bước phát triển đã có bước phát triển ổn định, vững chắc, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm. Trong năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều nhà xuất bản đã nỗ lực vươn lên đạt doanh thu đáng kể là: NXB Lao động – Xã hội, NXB Thống kê, NXB Thông tấn, NXB Quân đội nhân dân, NXB Công an nhân dân.

Công tác định hướng xuất bản hàng năm của các cơ quan chủ quản đã dần đi vào nền nếp. Chất lượng, định hướng thông tin được nâng lên một bước. Nhiều cơ quan chủ quản đã tổ chức tốt công tác định hướng xuất bản từ đầu năm. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin giúp các nhà xuất bản chủ động, nghiên cứu, tiếp cận các mảng đề tài theo đúng chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ mục đích. Nhờ đó, nhiều nhà xuất bản đã xây dựng được những bộ sách mang giá trị thương hiệu của đơn vị mình. NXB Quân đội nhân dân với các đầu sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954; NXB Thanh niên với các bộ sách Khoa học về vận động thanh niên, Cội nguồn dân tộc…

Nhiều nhà xuất bản đã chủ động đa dạng hóa các loại ấn phẩm, tạo nên sự phong phú về thể loại và đề tài xuất bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, tích cực góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế. Tiêu biểu cho những đơn vị chủ quản làm tốt nhiệm vụ này là Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp…

Tuy nhiên, cùng với kết quả đó, nhiều cơ quan chủ quản chưa thực hiện đầy đủ nghiêm túc nhiệm vụ chỉ đạo định hướng phát triển của đơn vị xuất bản.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, về đầu tư vốn, cơ sở vật chất – kỹ thuật và các chính sách tài chính hỗ trợ của một số cơ quan chủ quản dành cho các nhà xuất bản vẫn có những điểm sáng. Một số cơ quan chủ quản vẫn bổ sung vốn vay cho các nhà xuất bản như Bộ Tư pháp cấp cho NXB Tư pháp 1,1 tỷ đồng, duy trì bằng dự toán ngân sách nhà nước cấp cho NXB Tư pháp năm 2012 – 2013.

Nhiều cơ quan chủ quản  tiếp tục quan tâm, đầu tư trụ sở, trang thiết bị làm việc cho các nhà xuất bản. NXB Thông tin và Truyền thông giao thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống quản lý, xuất bản trực tuyến giai đoạn 2013-2015. Theo thống kê đến hết tháng 12-2014, có trên 70% số nhà xuất bản được cơ quan chủ quản đầu tư trụ sở và trang thiết bị làm việc, như NXB Tài nguyên – Môi  trường và Bản đồ Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, NXB Giáo dục…

Nhiều cơ quan chủ quản các nhà xuất bản loại hình sự nghiệp công lập đã bố trí tăng biên chế cho các nhà xuất bản, duy trì chế độ hưởng 100% lương và các chế độ xuất bản như NXB Đại học Vinh, NXB Đại học Nông nghiệp, NXB Đại học Hàng hải… Trong khi đó, một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản thuộc khối doanh nghiệp đã linh hoạt vận dụng chính sách, có biện pháp hỗ trợ cho NXB mượn trụ sở như Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), Hội Luật gia Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đầu tư cho các nhà xuất bản còn nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó có những nhà xuất bản nếu cơ quan chủ quản không có phương án đầu tư, tạo cơ chế hiệu quả, có thể rơi vào khủng hoảng.

Về công tác đảng, công tác cán bộ tại các NXB đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các tổ chức Đảng tại các nhà xuất bản đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng. Số tổ chức cơ sở Đảng nhà xuất bản đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tăng nhanh. Nhiều đảng viên giữ vị trí chủ chốt trong NXB đạt danh hiệu đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều cơ quan chủ quản vẫn nỗ lực duy trì chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ hoặc tạo điều kiện để NXB thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn về nghiệp vụ biên tập, xuất bản. Công tác thanh tra, kiểm tra được các cơ quan chủ quản thực hiện theo đúng kế hoạch hàng năm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, hoạt động xuất bản còn nhiều yếu kém, trong đó có những yếu kém do hạn chế của công tác chủ quản như các ý kiến tham luận đã phân tích. Đó là: Còn tiếp diễn tình trạng buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhất là trong việc kiểm tra, đôn đốc các nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích vẫn tiếp tục diễn ra. Ở một số đơn vị, công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các xuất bản chưa được quan tâm, chăm lo đúng mức. Nhiều cơ quan chủ quản, công tác đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa tạo đủ các điều kiện cơ bản về vốn, trụ sở  để nhà xuất bản hoạt động. Sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, quản lý có lúc chưa chủ động, kịp thời, còn lúng túng. Thực trạng liên kết xuất bản hiện nay đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, làm suy yếu vai trò chủ đạo của các nhà xuất bản và của chính cơ quan chủ quản.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc còn tồn tại, hạn chế thấp nhất vi phạm xuất bản phẩm, nâng cao chất lượng của xuất bản phẩm. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, chỉ đạo xử lý kịp thời sai phạm của nhà xuất bản, nhất là trong hoạt động liên kết xuất bản.

5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong năm 2015

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhất trí với đề xuất các nhiệm vụ đã nêu trong dự thảo báo cáo của Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Cục Xuất bản, In, Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông). Đồng chí đề nghị các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ quan trọng sau:

Thứ nhất, tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế của Nhà xuất bản một cách thấu tình, đạt lý. Chỉ đạo, định hướng các Nhà xuất bản có kế hoạch, lựa chọn đề tài thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ, sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ lớn trong năm, bảo đảm tính tư tưởng, tính khoa học, sự đa dạng, hấp dẫn của các xuất bản phẩm, phấn đấu có nhiều sách hay phục vụ bạn đọc, đồng thời cũng nâng cao hiệu quả kinh tế của Nhà xuất bản.

Thứ  hai, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản, trước hết là hoàn chỉnh định hướng chiến lược và qui hoạch mô hình hoạt động, hợp nhất Nhà xuất bản đang bộc lộ nhiều hạn chế, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững của các đơn vị xuất bản. Giải quyết triệt để các mâu thuẫn, bất cập ở các nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi tạo điều kiện cho các Nhà xuất bản phát huy hết nội lực vốn có của mình. Bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020), các cơ quan chỉ đạo, quản lý phối hợp với cơ quan chủ quản khẩn trương hoàn thiện định hướng chiến lược và qui hoạch phát triển Ngành Xuất bản, tính toán khoa học, chính xác trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các Nhà xuất bản, tránh hiện tượng thực hiện nhiệm vụ chồng chéo, tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Mạnh dạn xóa bỏ những Nhà xuất bản hoạt động thiếu hiệu quả, phụ thuộc vào đối tác liên kết, để sai phạm kéo dài. Các Nhà xuất bản không thể chỉ là nơi cấp giấy phép cho các nhà sách, để nhà sách chi phối hoạt động, không kiểm soát nội dung dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

Thứ ba, cơ quan chủ quản cần tăng cường các nguồn lực, phương tiện làm việc cho Nhà xuất bản, nhất là cơ chế vốn (theo quy định của Luật Xuất bản 2012), đảm bảo đơn vị có thể hoạt động và phát triển; với những cơ quan chủ quản lớn, cần mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đặc biệt công nghệ cho xuất bản điện tử vốn là một lĩnh vực được dự báo sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai.

Thứ tư, cơ quan chủ quản đặc biệt quan tâm đến công tác qui hoạch và đào tạo cán bộ, làm tốt công tác cán bộ, xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ cán bộ làm xuất bản, giữ vững lập trường, quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, vững về nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 5 năm, 10 năm…, để từ đó hình thành định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn, khắc phục tình trạng bị động, tránh tình trạng phụ thuộc vào cán bộ được điều động về lãnh đạo; giải quyết cơ bản tình trạng khủng hoảng về nhân lực chất lượng của nhiều Nhà xuất bản hiện nay. Cơ quan chủ quản cũng cần rà soát, khẩn trương bổ sung các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đơn vị còn đang khuyết hiện nay, đảm bảo bộ máy hoạt động của Nhà xuất bản vận hành ổn định.

Thứ năm, để chuẩn bị tổng kết 10 năm ban hành Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, sơ kết 5 năm thực hiện các Quyết định 281, 282, 283 của Ban Bí thư. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành các công việc cho tổng kết: xây dựng Kế hoạch triển khai và Hướng dẫn số 114-HD/BTGTW ngày 02/6/2014, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, hội; các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương triển khai, tổ chức tổng kết, báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương đến hết tháng 12/2014. Đề nghị các cơ quan chủ quản rà soát, tiến hành tổng kết, báo cáo để chuẩn bị cho buổi tổng kết 10 năm Chỉ thị 42 vào đầu quý II năm 2015 tới đây.

Trên cơ sở những nội dung đã được bàn bạc và nhất trí trong Hội nghị này, quán triệt phương hướng và nhiệm vụ trên, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đề nghị tất cả các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai kế hoạch công tác năm 2015 với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, kiên trì tìm tòi, đổi mới nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trên từng lĩnh vực của mình.

                                                                                                Thu Hằng

                                                                                     (Nguồn: Tuyên giáo.vn)