8h sáng Chủ nhật, ngày 28/09, tại tòa soạn Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 36A- Nguyễn Đức Cảnh- TP. Vinh đã diễn ra buổi giới thiệu sách Kỷ niệm văn chương của tác giả Hồ Phi Phục. Đây là cuốn sách vừa mới được xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Vinh. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động mà Tạp chí Văn hóa Nghệ An dự kiến sẽ phối hợp với các đơn vị và  các Nhà xuất bản tổ chức thường xuyên với mục tiêu tôn vinh các tác phẩm có giá trị, các tác giả có nhiều đóng góp và đặc biệt là mở ra một không gian giao lưu, trao đổi văn hóa văn nghệ, góp phần nâng cao văn hóa đọc tỉnh nhà. 

Tới dự buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, NXB  Đại học Vinh, Thư viện tỉnh Nghệ An, các giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Vinh và đông đảo nhà văn, nhà thơ, độc giả quan tâm. Tại buổi ra mắt, tác giả đã có buổi giao lưu, chia sẻ cởi mở về nội dung cuốn sách, về quá trình sáng tác và những câu chuyện bên lề.

Giám đốc NXB Đại học Vinh tặng hoa cho tác giả Hồ Phi Phục

Hồ Phi Phục là cái tên không còn xa lạ đối với những người yêu văn chương đất Nghệ. Ông đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm như: Sóng bãi ngang (Thơ-1991), Chân trời lạ (Ngẫu văn-1993, 1995), Kinh tế ngầm (Tiểu luận-1994), Xóm Điếm (Thơ in chung-2012)…. Đến Kỷ niệm văn chương chúng ta được tiếp cận với một dòng chảy của hồi ức qua sự đan xen các tác phẩm thơ, tản văn của ông và những bài viết của các tác giả khác về ông. Như Giám đốc NXB Đại học Vinh, PGS.TS. Đinh Trí Dũng nhận xét, bố cục cuốn sách là một sự lộn xộn có chủ ý, như chính sự chập chờn của kỷ niệm. TS. Lê Thanh Nga, giảng viên ĐH Vinh cũng chia sẻ: “Sự đan xen thơ, văn trong cuốn sách khiến người đọc không bị nhàm chán, thể hiện tinh thần tìm đến sự hài hòa, cân bằng như chính con người ông vậy. Ở Hồ Phi Phục ta thấy một con người chính trị và một con người văn chương, lặng lẽ, đầy trách nhiệm”. Biên tập viên, độc giả tham gia buổi tọa đàm cũng đã chia sẻ về cái lạ trong giọng văn, giọng thơ của Hồ Phi Phục. Cái lạ được tạo nên từ chất suy tưởng, từ sự phảng phất triết học trong mỗi tác phẩm. Chính vì thế đọc Hồ Phi Phục không thể vội vàng, không thể qua loa mà phải lắng lòng mình để chiêm nghiệm cùng tác giả.

         Sau hơn hai giờ trao đổi về chuyên môn lẫn những câu chuyện bên lề về quá trình sống và viết, buổi giới thiệu sách khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp. Chương trình đã tạo được một không gian giao lưu gần gũi, ấm cúng và đầy bổ ích.

                                                                                        (Trang Đoan, nguồn: Tạp chí văn hóa Nghệ An)