Có phải là “dâm thư”?

Trước những lời giới thiệu hấp dẫn về cuốn sách 'Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu', bạn đọc có tên P.K.V đã tìm mua. Sau khi mang về nhà đọc được vài trang đầu, V tá hỏa bởi trong sách dùng khá nhiều từ tục tĩu, thậm chí mô tả chuyện tình dục một cách công khai.

Tranh cãi về cuốn sách Phật pháp có từ ngữ tục tĩu ảnh 1
Trang sách có nội dung mà độc giả cho rằng chứa những từ ngữ tục tĩu. Ảnh:  P.K.V
Tranh cãi về cuốn sách Phật pháp có từ ngữ tục tĩu ảnh 2
Ảnh:  P.K.V 

Cụ thể, trong câu chuyện “Những cái chết rùng rợn, bi thương của một gia đình ba đời làm nghề đồ tể” (trang 47, 48), tác giả trích nguyên lời nhân vật, trong đó gọi thẳng tên dân gian của bộ phận sinh dục nữ hay nói chuyện sinh hoạt vợ chồng, trai gái bằng những từ thô tục. Vị độc giả bức xúc cho rằng điều này chẳng khác nào “bìa phật pháp nhưng ruột dâm ô”.

Câu chuyện bức xúc về nội dung cuốn sách cũng được độc giả chia sẻ lên mạng xã hội kèm theo hình ảnh một số nội dung trong sách. Một số cơ quan truyền thông đăng tải lại và đặt câu hỏi, tại sao cuốn sách này lại "lọt" ra thị trường?

Được biết, “Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” là của tác giả Hoàng Anh Sướng do Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép xuất bản vào 31.3.2017, Công ty Limbooks (trụ sở tại Hà Nội) phát hành. Sách có độ dày 352 trang, giá bìa 125.000 đồng. Nội dung chính gồm 3 phần: Nghiệp báo sát sinh, Nghiệp báo nạo phá thai, Nghiệp báo phá đình chùa, mồ mả.

“Tục hay không do quan niệm của mỗi người!”

Đó là chia sẻ của ông Trần Quang Quý - nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn - người đứng tên chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách “Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” của tác giả Hoàng Anh Sướng.

“Tác giả chủ ý viết như vậy, đề cập đến cả những chuyện về sex, với dụng ý rằng nhân vật trước khi ngộ đạo tính cách là như thế, nhưng khi họ giác ngộ rồi, thì những nhân vật ấy đã thay đổi. Tôi nghĩ mọi người phải đọc xuyên suốt tác phẩm thì mới hiểu được nội dung thật sự. Nếu cứ đọc một đoạn như vậy, rồi lên tiếng phê phán, đánh giá nọ kia như thế là giết văn học” – nhà thơ Trần Quang Quý cho biết.

Ông Quý cũng nói thêm, hiện mình đã nghỉ chế độ và bàn giao công việc lại cho NXB Hội Nhà Văn từ đầu tháng 5.2017. Cuốn sách trên là do nhà văn Tạ Duy Anh chịu trách biên tập.

Đánh giá về cuốn sách phật pháp này, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng: “Với cuốn sách “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu”, tác giả Hoàng Anh Sướng khiến bạn đọc phải đối mặt với một hiện thực đạo đức, tâm linh vô cùng khắc nghiệt để rồi mình sẽ phải lựa chọn: Hoặc làm người tử tế (mặc dù vô cùng khó khi từ bỏ tham, sân, si, dục…) để tìm thấy ý nghĩa của đời sống, hoặc là kẻ độc ác, chìm đắm vào khổ đau không lối thoát. Những gì được tác giả kể lại, một cách trần trụi, bằng lối văn lạnh lùng, sắc nét trong miêu tả, tự bản thân mỗi câu chuyện đã xứng đáng là một công án lương tâm cho bất cứ ai”.

Trước các nhận xét về cách hành văn trong cuốn sách của mình, tác giả Hoàng Anh Sướng khẳng định đây là lời nhân vật. Việc sử dụng từ ngữ có phần thô tục trong bài viết về gia đình đồ tể nhằm mục đích lột tả bản chất một đồ tể thô lỗ, ham mê nhục dục, phù hợp với tính cách nhân vật.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - người viết lời giới thiệu sách - cũng cho rằng, câu chuyện của Hoàng Anh Sướng cần được gọi đúng bản chất, đặt đúng hoàn cảnh của nó. Đó là lời của nhân vật, chứ không phải của nhà văn.

“Tập phóng sự của Hoàng Anh Sướng hướng đến Phật giáo chứ không phải sách Phật giáo. Cuốn sách này sẽ giúp cho người ta biết sợ. Sợ luật nhân quả. Sợ làm những điều ác. Tôi tin, bất kỳ ai đọc nó xong cũng sẽ không dám sát sinh bừa bãi, không dám nạo phá thai, không dám đập phá mộ, đập phá đình chùa hay làm những điều ác. Đây là cuốn sách có tính giáo dục" – nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.

Theo Lao động