NXBĐH Vinh: Nhân dịp cuốn sách Kỷ niệm văn chương của tác giả Hồ Phi Phục ra mắt bạn đọc, BTV Cao Anh Tú đã có bài viết giới thiệu một trong nét nổi bật của cuốn sách này. Bài viết đã được trao đổi trong buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách. NXBĐH Vinh trân trọng giới thiệu:

           Tôi có may mắn được đọc khá nhiều những sáng tác của Hồ Phi Phục trên cả hai lĩnh vực thơ ca và văn xuôi. Ông đã để lại cho tôi những  ấn tượng khó quên. Tuy vậy,  lắng lại trong tôi vẫn là những bài thơ đầy ám ảnh. Những bài thơ không phải dễ gì đọc một lần đã cảm nhận được hết những điều ông muốn nói. Cũng vì vậy mà tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Hồ Phi Phục có một giọng thơ phảng phất triết học về cái Đẹp. Một giọng thơ vừa xa xôi, vừa gần gũi mà khó nắm bắt. Một lần đọc thơ ông là thêm một lần khám phá những vỉa tầng thoắt ẩn thoắt hiện, không hiểu là bóng hay hình. Có khi hình hóa bóng, có khi bóng hóa hình. Nó vừa là hoa. Nó lại cũng là hương. Và cái Đẹp cũng là vậy hoặc gần như vậy”.  Có thể nói rằng, Hồ Phi phục là một giọng thơ lạ trên thi đàn Nghệ An. Một trong những phương diện làm nên nét lạ, khó nắm bắt trong thơ ông chính là chất suy tưởng mới mẻ.

Suy tưởng trong thơ bao giờ cũng gắn liền với những khái quát mang tính trí tuệ. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng đang chạm đến một vấn đề mà rất nhiều người có chung nhận xét khi đọc thơ Hồ Phi Phục: chất trí tuệ. Chất trí tuệ ở đây có thể hiểu là từ một hiện tượng của đời sống, một cảm xúc trong đời sống nội tâm, nhà thơ với những liên tưởng riêng của mình, vận dụng những suy tưởng mang tính khái quát, nâng lên thành vấn đề về xã hội, vấn đề tâm hồn hoặc những vấn đề mang ý nghĩa triết học trong đời sống.

Hồ Phi Phục làm thơ bằng những liên tưởng phong phú, nhiều chiều, ông thường liên kết các sự vật, hiện tượng trong nhiều mối tương quan: giữa quá khứ và hiện tại, giữa xa xôi và gẫn gũi, giữa hiện hữu và hư ảo, giữa vẻ bình yên và cái bất ổn… Nhiều khi có những sự liên tưởng bị xáo trộn, thật khó nắm bắt, khó lí giải, nhưng kì thực cảm xúc và tư duy trong thơ ông có một con đường đi riêng rất logic. Từ những liên tưởng như vậy, thơ Hồ Phi Phục thường hướng tới nắm bắt ý nghĩa triết lí hàm ẩn trong mỗi hiện tượng. Và cuối cùng, bao giờ ông cũng dừng lại ở những chiêm nghiệm sâu sắc, thâm trầm.

Dễ nhận thấy trong thơ Hồ Phi Phục, ông thường tìm về với quá khứ, với những gương mặt đã là biểu tượng của bề dày lịch sử, bề dày văn hóa. Có khi  hiện hữu bằng những danh xưng cụ thể trong những bài thơ cùng tên như như Tô Thị,  Bà Huyện Thanh Quan, Phác thảo Nguyễn Thái Học, Lão Tử, Lâm Đại Ngọc, Đesđêmôna, Gôgôn… Có khi không bằng danh xưng cụ thể nhưng lại thấp thoáng hiện hữu trong những bài thơ như Yên Tử, Thành Nhà Hồ, Mùa thu Tiên Điền, Cậu bé và hươu sao…  Trong  bài thơ Tô Thị, hình ảnh người phụ nữ chờ chồng hóa đá thêm một lần nữa được Hồ Phi Phục tạc lên bằng một thứ ngôn từ cô đọng, hàm súc ngay ở phần mở đầu bài thơ: “Mờ mắt chờ trông/Chôn chân từ ấy/Năm tháng vọng phu/Mòn mỏi tấm thân gầy”. Nhưng những câu thơ sau đó mới chính là những câu thơ đầy ám ảnh. Nó không đơn thuần là sự đồng cảm, là sự thấu hiểu mà là những nghĩ suy, những chiêm triết về kiếp người cô đơn trong đợi mong tuyệt vọng: “Nàng chỉ còn ghi lại/ Một chút gì đây/Lặng lẽ/ nỗi khép kín hoang dã/ thung lũng đời người/ Hóa đá”. Đến với Đèo Ngang, điều tất nhiên là ông nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan. Có chút ngơ ngác kiếm tìm, hoài vọng về quá khứ: “Bà đi lối nào/ Bà đứng ở đâu/ Ngựa xe tùy nữ…”. Nhưng tư duy thơ Hồ Phi Phục không dừng lại ở đó, ông luôn có cách tiếp cận riêng với hiện thực. Thơ ông không dừng lại nơi tiếng nói của cảm xúc mà còn là để khám phá, suy nghĩ, biện giải về đời sống. Chính vì vậy, những hình ảnh “đoan trang”, “thướt tha” của bà Huyện Thanh Quan trong cảm hứng hoài cổ chỉ là cái cớ để ông lí giải thực tại:Ôi lát giây Bà huyện chạnh lòng/ Đèo Ngang thành đèo Sang Trọng”.

Thơ Hồ Phi Phục thường lấy thực tại làm chất xúc tác để quay về với quá khứ, rồi từ quá khứ quay lại với thực tại để thể hiện những suy tư, ngẫm ngợi của cá nhân.  Đi trên một con đường, dạo chơi trong một công viên gợi cho ông nhớ về một kiệt tác nghệ thuật. Đó cũng là lí do để ông có một bài thơ rất hay, bài Về một bức tranh Lêvitan. Nghe một bài hát lại nhớ về một mùa đông trong quá khứ,  một dòng sông xưa, một cánh buồm (Danh ca)... Rất nhiều khi, quá khứ và hiện tại trong thơ ông có sự xáo trộn, khó tách bạch. Những hình ảnh, những âm thanh, những sắc màu, những cảm xúc ùa về, mơ hồ và khó lí giải. Và những liên tưởng như vậy, nhiều khi dàn trải, không  lắng lại, nhưng người đọc vẫn có thể bắt gặp những mạch ngầm của những suy tư đang lặng lẽ chảy. Trong bài Đường cũ có đoạn: “Kỷ niệm thanh xuân dần mờ/ Không gian buồn nỗi nhớ/ Cúc vàng hoang dại nở/ Mơ hồ những cuộc đời hoa…”; thì bông cúc vàng đó cũng là bông hoa “Bên đường xưa bụi bờ cản lối”, cũng là bông hoa của ngày hôm nay nở vàng hoang dại bên đường… Trong  bài Người thuyết minh động Phong Nha, tiếng của “hàng triệu năm” đã đồng vọng với tiếng của ngày hôm nay, để quá khứ như được sống dậy “Hàng triệu năm thạch nhũ/ Âm vang tiếng em trốn tìm/ Tiếng em thấm sâu chuông đá/ Hang động ngỡ mình có tim”.

            Thơ ông còn là sự suy tư của những cái đang hiện hữu cụ thể, gần gũi, có thể nắm bắt được với những điều xa xôi, mơ hồ, hư ảo, khó nắm bắt. Trong bài Văn Cao, cái cụ thể, hiện hữu chính là cuộc trò chuyện với người nhạc sĩ mà ông yêu quý “Tôi ngồi bên ông/ Lặng lẽ nghe ông nói/ Ngoài cửa sổ/ Guồng nước quay/ Tháng ngày xanh tràn đầy”, nhưng cái mơ hồ, hư ảo là không gian ngoài kia, là “thu cô liêu”, là “tơ chiều”, là “nỗi buồn của thông, của liễu”, là “âm thanh lãng du cuối trời” . Kết thúc bài thơ là niềm hạnh phúc trong nỗi đồng cảm kì diệu: “Lâng lâng sao phút giây kì diệu/ Tháng ngày tan trong thu cô liêu”. Bài thơ Vô đề chỉ vỏn vẹn 6 câu ngắn gọn nhưng tư tưởng, tính triết lí của bài thơ thì không hề nhỏ: “Trăng sao lọt vào nơm/ Anh say sưa bốc hốt/ Những ảo ảnh vĩ đại/ Rồi một ngày rã rời/Buồn bã nhìn trời cao/ Ước ao con cá nhỏ”.

 Thơ Hồ Phi Phục nhiều trăn trở suy tư, vì vậy mà ông cũng thường nhìn thấy vẻ đẹp bình yên bên cạnh cái bất ổn của cuộc sống:  ngắm Đà Lạt với những con đường trữ tình, rừng thông thơ mộng, ngọn gió lùa về… lại nghe vẳng đâu đây “Tiếng rìu đẵn thông” làm “đau cả gió” (Đà Lạt).  Dạo chơi hồ Ba Bể để thấy rất nhiều: Tôi thấy những tổ chim/ Tôi thấy những cây già chết khô/ Tôi thấy một cánh cò buồn bã… Nhưng thực ra, liệt kê những điều “tôi thấy” là để mà đối chứng với những điều rất “ít thấy” ở đây: “Tôi ít thấy ở mọi nơi/ Những điều thấy ở đây/ Mà thấy nhiều những điều khác thế. Đường đời không khởi hành từ Ba Bể” (Trên hồ Ba Bể). Ngay cả khi ngồi trên chiếc ghế sang trọng của chiếc máy bay tưởng chừng như êm ả, ông vẫn đầy ắp những suy tư: “Ấm áp mấy tầng máy bay kín chỗ/Nữ tiếp viên mét bảy dịu dàng/ Hành khách thả hồn theo quan họ/ Ngoài kia/ Kim khí xé gió” (Ngoài kia)… Và đằng sau những câu thơ như thế, những bài thơ như thế, người đọc vẫn luôn cảm nhận được những khắc khoải, âu lo, những trăn trở, suy tư của người viết. Với lối liên tưởng nghịch chiều như vậy, thơ Hồ Phi Phục  mở ra nhiều chiều hướng suy tưởng mới mẻ, mê dụ người đọc.

            Nói đến thơ giàu chất suy tưởng người ta cũng thường nghĩ đến loại thơ của tư duy, ít quan tâm đến những chi tiết của đời sống. Thực ra đối tượng trong thơ Hồ Phi Phục khá rộng, có những điều gần gũi, quen thuộc quanh ta, nhưng cái đặc biệt là ông không chỉ đơn thuần bộc lộ cảm xúc về đối tượng mà mình đang chiêm ngắm mà quan trọng hơn là bộc lộ những trở trăn, suy ngẫm về nó, rồi rút ra những nhận xét mang tính phổ quát. Ngắm hồ nước mênh mông với những khuôn viên xinh đẹp, sương trắng mặt hồ, để ngẫm ra: “Hồ có cạn bao giờ/ Khi rừng vẫn mãi xanh/ Dửng dưng không cần bão tố/Cuộc đời hồ, là/ Cuộc đời tất cả những cuộc đời mưa” (Hồ). Ngắm ‘Những cánh hoa/Nở hồng mùa xuân/Tơi bời rơi/Mùa hạ”  để thấy rằng: “Ngạo nghễ và buồn rầu/Bên nhau…” (Ngạo nghễ và buồn rầu). Rất nhiều những bài thơ của Hồ Phi Phục đều thiên về chất suy tưởng như vậy.

 Hay suy tư, ngẫm ngợi, người đọc cũng thường thấy một  Hồ Phi Phục thỉnh thoảng thảng thốt, giật mình, bừng ngộ để nhận ra những điều giàu tính triết lí mà vô cùng giản dị.  Trong bài Hoa đại, ngắm bông hoa trong tay, nhận ra  hoa “Bất ngờ xuống màu nhợt nhạt/ Hương hoa thoảng nhòa” để rồi ‘Chợt vụt tắt suy tư lạc lõng/Bừng hé lên điều chiêm nghiệm muộn màng” và rồi đi đến lý giải: “Có phải giác quan đã cũ kĩ lâu ngày/ Có phải cái đẹp đã phai mờ /Khi con người ngày một già nua”. Suy tư trước “Tốc độ khủng khiếp/vẽ đườngbầu dục/quanh mặt trời” để nhận ra vẻ chậm rãi, bình yên của cuộc sống “Nhưng kìa mái tranh yên vắng/trong thôn nhỏ/ Tấm màn trời vàng sẫm màu quý tộc/đắm đuối/làm nỗi rõ/Làn khói lam chiều/hờ hững bay lên thiên đường”. Chính vì vậy, đi nhiều, thấy nhiều, để rồi bước chân ông trở về nặng trĩu ưu tư  “Thấy một vòng đi ám ảnh bước chân về” (Trên hồ Ba Bể).

Thơ Hồ Phi Phục nhiều những nghĩ ngợi, suy tư nhưng nhìn chung vẫn đầy  hi vọng, lạc quan, ông vẫn có nhiều niềm tin vào cuộc sống: “Rồi sẽ bớt những ngày ngại gió/ Con đường vui cuộc sống yên lành” (Gió mùa); “Ngày mai/ Nắng xuân ngập tràn/ Soi rọi tính hệ thống/ Soi rọi trường hấp dẫn/ Soi rọi các chu trình mới/ Như phần thưởng lớn của mặt trời/ Gửi tới những luống cày rạn vỡ” (Giao thừa).

Cũng rất dễ nhận thấy, Hồ Phi Phục thường hay suy tư trước những nhân vật văn học  đã trở thành điển hình, có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống tinh thần của nhân loại. Ông có bài thơ Lâm Đại Ngọc,  đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với người con gái mong manh xinh đẹp nhưng bạc phận: “Em buồn thương chôn hoa/ Chôn cho những kiếp người/ Nhưng rồi chỉ còn em/ Em không chôn được em thôi”.  Người con gái cùng tên trong bài thơ Đesđêmôna được nhà thơ cảm nhận không chỉ đơn thuần bằng nỗi buồn, bằng sự oán hận, trách cứ, khổ đau… mà quan trọng hơn, trong khổ đau, tình yêu vẫn hiển hiện. Và đó cũng là nguyên nhân của khổ đau: “Ngày ấy/ Tóc vàng đẫm nước mắt / Trích tiên đọa trần/ Hát một trời liễu rũ/ Sóng gầm dâng ái ân…”. Đọc những sáng tác như thế này, để hiểu sâu, đồng cảm được với những vấn đề tác giả gửi gắm, đòi hỏi người đọc phải có một phông nền thực sự về văn học. Đó cũng là lí do vì sao đọc thơ Hồ Phi Phục phải đọc chậm và không phải dể dàng để đi đến cùng một bài thơ.

Với kiểu tư duy nghệ thuật như vậy, cũng dễ hiểu khi thơ Hồ Phi Phục thường hướng ngòi bút của mình tới các nhà khoa học, những nhà văn, những nghệ sĩ  nổi tiếng trên thế giới. Ông có những bài thơ như Người mộng du vũ trụ, Tiếng nổ và thời gian, Gôgôn, Phỏng theo lời thoại của A.Anhstanh, Ivơ Môngtăng hát…  Và ở Việt Nam, thơ Hồ Phi Phục hơn môt lần nhắc đến Nguyễn Trường Tộ. Họ là biểu tượng của trí tuệ, của tư tưởng tiến bộ và nhân văn. Và dường như thơ Hồ Phi Phục gần với những điều như vậy. Tất nhiên, ông ngắm nhìn họ, viết về họ từ góc nhìn của một nhà thơ, nhưng đó là một nhà thơ am hiểu khoa học. Lấy ví dụ, bài thơ Người mộng du vũ trụ viết về Johannes Kepler (1571 - 1630), một gương mặt quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học, là một nhà toán học, nhà chiêm tinh học, nhà thiên văn học, và là một nhà văn ở buổi đầu của những truyện khoa học viễn tưởng người Đức. Ở đây, Hồ Phi Phục không đơn thuần chỉ suy tư về cuộc đời, về tư tưởng của một con người trong lịch sử với cả những được và mất, cả thành công và thất bại, quan trọng hơn, cuối cùng ông đã đi đến những khái quát, những chiêm nghiệm đầy thú vị của một người làm thơ: “Chân bước tới những vì sao xa thẳm/ Nhìn lại vầng thái dương/ Lung linh những vòng elip mỉm cười/ Kêpola/ Không thoát tục/ Không mộng du vũ trụ/ Làm sao hiểu nổi con người”.

Có ý kiến cho rằng: nhà thơ có vốn văn hóa, vốn triết học và biết vận dụng chúng trong sáng tạo để hình thành kiểu tư duy độc đáo, đậm đặc mang cá tính, giọng điệu riêng khi bình giá cuộc sống thì những bài thơ của những nhà thơ đó thường mang tính trí tuệ. Thơ Hồ Phi Phục thuộc tạng này. Từ những liên tưởng, phong phú, nhiều chiều, từ những cảm xúc cụ thể, Hồ Phi Phục thường đi đến những suy ngẫm, những nhận xét mang tính phổ quát, giàu tính triết lí. Thơ Hồ Phi Phục vì vậy thực sự thiên về chất suy tưởng. Tất nhiên, nói đến tính suy tưởng, trí tuệ trong thơ dễ khiến chúng ta nghĩ đến sự khô khan, lí trí; hiện thực đi vào trong thơ có thể ít đi cái tươi tắn, sinh động, cụ thể. Nhưng bù lại, thơ ông giàu có hơn ở sức khái quát, ở sự hư ảo, biến hóa, ở những suy tư sâu sắc mà cũng rất đời. Và quan trọng hơn, Hồ Phi Phục đã tạo được một dấu ấn riêng trong lòng người đọc.