Vào cuối thế kỷ XIX, khi tiến hành nghiên cứu trên các đối tượng sinh vật khác nhau ba nhà khoa học: De Vries, Tschermark và Correns, đã cùng phát hiện ra các quy luật di truyền của các tính trạng giống với những gì mà Mendel đã phát hiện và công bố vào năm 1865. Trên cơ sở đó họ đã đề nghị lấy tên của 3 quy luật di truyền cơ bản ở sinh vật là các quy luật di truyền của Mendel, sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các nghiên cứu sinh học. Từ đây một ngành khoa học mới: Di truyền học ra đời.

 

Bìa cuốn sách Đa hình di truyền ở động vật

      Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, với các phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại và các phương pháp nghiên cứu tiến tiến, cơ sở vật chất của sự di truyền cũng ngày càng được khám phá. Năm 1908-1911, Morgan và các cộng sự của ông đã phát hiện ra vật chất di truyền nằm trên nhiễm sắc thể. Năm 1924, người ta đã nhận ra sự có mặt của ADN trong nhiễm sắc thể và nhiều bằng chứng gián tiếp khác đã gợi ra mối quan hệ giữa ADN và vật chất di truyền.

       Pontecorvo (1952), sau đó là Benzer (Mỹ) đã đưa ra các khái niệm về cấu trúc của gen và sau người ta đã phát hiện ra cấu trúc khảm của gen bao gồm các thành phần hoạt động (exon) và các thành phần không hoạt động (intron). Với cấu trúc như vậy của gen, các quá trình sao mã đã xẩy ra một hiện tượng gọi là quá trình thành thục hóa của mARN, hoạt động này đã làm cho một gen qua các mARN thành thục khác nhau đã cho ra nhiều sản phẩm (protein) khác nhau. Đồng thời người ta cũng đã phát hiện ra hiện tượng một gen không chỉ có hai mức độ hoạt động trội-lặn, mà chúng có thể có nhiều mức độ hoạt động và đó là các gen đa alen, ví dụ các gen điều khiển màu sắc lông ở động vật, các gen về nhóm máu ở người và động vật (đặc biệt là ở bò).

        Các gen tham gia điều khiển tổng hợp nên các sản phẩm hóa sinh ở động vật như protein trong trứng, sữa, huyết thanh, . . ., đặc biệt là với hemoglobin, transferin, anbumin, globulin trong huyết thanh, . . . chúng đã tạo nên hiện tượng đa hình di truyền ở động vật, một hiện tượng mà đã được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

        Trong quá trình nghiên cứu của mình, chúng tôi đã có dịp được triển khai các nghiên cứu về tính đa hình di truyền trên các đối tượng vật nuôi như lợn, bò. Cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị nghiên cứu như điện di, PCR và phân tích trình tự gen (gene frequence analyze), chúng tôi đã thu được một số kết quả nhất định. Trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi muốn giới thiệu với người đọc về các phương pháp nghiên cứu, các kết quả đạt được cũng như những ứng dụng của tính đa hình di truyền ở sinh vật nói chung và vật nuôi nói riêng.

        Trong cuốn sách này chúng tôi đưa 2 kết quả nghiên cứu trên vi tảo thông qua việc ứng dụng phương pháp PCR. Các kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên một số tạp chí và tuyển tập công trình với biên tập chính của PGS. TS. Nguyễn Kim Đường. Chúng tôi xin được cảm ơn sự đóng góp của các đồng tác giả trong hai bài viết.

        Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có thêm những thông tin để tham khảo và mong nhận được các góp ý của người đọc.

                                                                CHỦ BIÊN: PGS.TS. NGUYỄN KIM ĐƯỜNG