Ở làng Trường Lưu, Hát
Phường vải - một
phần của Ví Giặm Nghệ Tĩnh - được
công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Hoàng Hoa sứ trình đồ
và Mộc bản Trường học Phúc Giang là hai di sản tư liệu đã được ghi vào
Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á/Thái
Bình Dương (MOWCAP). Ngoài ra Làng còn rất nhiều di sản có giá trị khác nhưng
chưa được phát hiện, nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ để làm cứ liệu, hồ sơ
đề cử công nhận di sản các cấp.
Cuốn sách “Di
sản văn hóa Trường Lưu, từ làng quê ra thế giới” của tác giả GS.VS Nguyễn
Huy Mỹ, giới thiệu hành trình của ông và các cộng sự trong việc đưa một làng
quê nhỏ bé nhưng giàu truyền thống văn hóa đến với thế giới, để được thế giới
biết đến và ghi danh, hành trình của hơn 30 năm, kể từ năm 1990 đến 2021.
Tác giả Nguyễn Huy Mỹ là hậu duệ của dòng họ
Nguyễn Huy thuộc làng Trường Lưu, người
đã dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để khảo sát, sưu tầm, phục dựng… những
di sản tại ngôi làng của tổ tiên, dòng tộc ông. Như ông đã tâm sự, là mong muốn được góp thêm một phần nhỏ trong việc đưa các di sản của dòng
họ, làng xã, quê hương mình ra cộng đồng cả nước, đồng thời góp phần lan tỏa
văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc ra thế giới.
GS.VS Nguyễn Huy Mỹ với cán bộ Nhà xuất bản Đại học Vinh
Bên cạnh các chuyên đề và kết quả của đề tài
nghiên cứu về làng Trường Lưu được giới thiệu khá đầy đủ trong cuốn sách, điều
đặc biệt là bạn đọc sẽ bắt gặp ở đây những câu chuyện kể rất dung dị, chân thực
về hệ thống di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu hiện có tại Trường Lưu; về
quá trình sưu tầm, nghiên cứu đánh giá các giá trị của các di sản để đưa di sản
văn hóa làng Trường Lưu đến với cộng đồng và thế giới, trong cách làm của GS.VS
Nguyễn Huy Mỹ hơn 30 năm qua.
Về
bố cục, cuốn sách được chia thành hai phần với 10 chương. Phần A gồm 3 chương, trình bày về hiện trạng
di sản văn hóa Trường Lưu. Phần
B gồm 7 chương, trong đó chương đầu tiên tóm tắt một số kết quả tìm hiểu văn
hóa Trường Lưu đến năm 2010, trước khi chuyển hướng nghiên cứu sang giai đoạn mới.
Các chương tiếp theo, từ Chương 5 đến Chương 9, lần lượt trình bày về các giai
đoạn nghiên cứu, bao gồm nội dung, kết quả thu được và một số bài học kinh nghiệm
được rút ra sau mỗi giai đoạn, đồng thời là cứ liệu để lập hồ sơ đề cử các danh
hiệu cho các di sản tiêu biểu ở làng Trường Lưu. Chương 10 tổng hợp các kết quả
thu được từ năm
2011 đến 2021 và mở ra định hướng nghiên cứu tiếp theo, là cơ sở để tiếp tục đưa
di sản văn hóa Trường Lưu từ làng quê ra thế giới.
Cuốn sách là câu chuyện của một hành trình vô cùng thú
vị của một người con trách nhiệm, giàu tâm huyết với dòng tộc, mà rộng ra là
quê hương, đất nước mình. Hy vọng rằng đây không chỉ là hành trình để giới thiệu
di sản một làng quê với thế giới, mà còn mở ra cho nhiều hành trình mới của nhiều
làng quê khác trên đất nước chúng ta, để thế giới biết và ghi danh nhiều hơn nữa
về những giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam.
Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn
sách Di sản văn hóa Trường Lưu, từ làng quê ra thế giới của
GS.VS Nguyễn Huy Mỹ tới bạn đọc gần xa.
Bài và ảnh: NXB ĐHV