Trong nền thi ca dân tộc, Truyện Kiều của Nguyễn Du được ví như “trường thiên tuyệt bút”. Đây là tác phẩm thi ca đồ sộ với 3254 câu thơ lục bát, phản ánh đa dạng đời sống tâm hồn con người Việt Nam với nghệ thuật ngôn từ đặc sắc, giàu tính dân tộc.
Truyện Kiều phản ánh cuộc đời, số phận của nhân vật chính là Thúy Kiều. Tài miêu tả tâm lí, khắc họa nỗi lòng của Nguyễn Du khiến cho những câu thơ khi đọc lên người ta có cảm tưởng như Nguyễn Du đang nói hộ lòng mình. Truyện Kiều tựa như “tấm gương soi tâm trạng” cho biết bao nỗi niềm trên thế gian: “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Từ yêu mến câu chuyện đời cô Kiều, người dân tìm thấy ở đó cho mình những kinh nghiệm sống quý báu, những bài học nhân sinh gần gũi. Vì vậy nhân dân Việt Nam thường bói Kiều để dự đoán vận mệnh còn lại trong cuộc đời mình may rủi ra sao. Có thể nói, Truyện Kiều đã vượt khỏi giới hạn của một tác phẩm, có đời sống riêng như một thực thể văn hóa sống động trong tâm thức dân gian.
Đối với người dân Việt Nam ở mọi độ tuổi, mọi nghề nghiệp, trẻ cũng như già, học sinh, sinh viên, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nhà buôn, các nhà khoa học, nhân dân lao động... ai cũng thích đọc Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều và ngâm Kiều. Nhưng có lẽ thuộc cả Truyện Kiều thì rất ít người, họa chăng một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Kiều học hoặc các học giả văn chương, số còn lại chỉ nằm lòng một số cặp câu được cho là có gợi nhắc và liên quan đến tâm linh, tình yêu, sự nghiệp, buồn vui mà cuộc đời của họ gặp phải. Sau một thời gian gặp gỡ và trao đổi với bạn đọc ở nhiều tầng lớp dân cư cũng như học sinh đang học tác phẩm Truyện Kiều trong nhà trường, chúng tôi nhận thấy tất cả đều có nguyện vọng chung về một quyển sách tập hợp những câu thơ Kiều đặc sắc, xem như một cẩm nang tinh thần trong đời sống và một tài liệu tham khảo thiết thực trong quá trình học tập với học sinh. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi đi đến việc thực hiện ý tưởng tuyển chọn và trích dẫn những cặp lục bát thuộc hàng đỉnh cao trong Truyện Kiều theo tiêu chí: trong sáng và hàm súc về mặt ngôn từ, đạt đến độ tinh tế và sâu sắc của nghệ thuật miêu tả tâm lí con người, hài hòa và thống nhất giữa cảnh và tình. Toàn bộ trích dẫn trong cuốn sách này được chúng tôi đối chiếu theo công trình Từ điển Truyện Kiều của tác giả Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1974.
Đọc và suy ngẫm, tự mỗi người đọc đều có thể cảm nhận được vẻ đẹp trong sáng và toàn bích trong từng câu từng chữ của Truyện Kiều. Vậy nên giữa 3254 câu thơ, việc sẽ lựa chọn những cặp câu nào là một việc làm khó khăn bởi không tránh khỏi sự chi phối của cảm thụ cá nhân cũng như hạn chế nhất định từ năng lực thẩm bình của người biên soạn. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, phê bình và bổ sung từ phía các nhà nghiên cứu và bạn đọc. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới thầy giáo Nguyễn Quang Hoài – nhà nghiên cứu Truyện Kiều; nhà thơ Nguyễn Viết Lợi; nhà giáo, nhà thơ, thạc sĩ văn học Nguyễn Hữu Chi đã tận tình giúp đỡ, góp nhiều ý kiến bổ ích giúp chúng tôi hạn chế những sai sót trong quá trình sưu tầm và chọn lọc, tạo điều kiện cho cuốn sách sớmđến tay bạn đọc vào dịp kỉ niệm 249 năm sinh của đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới (1765 - 2014).
Nguyễn Kha Lộc