Mới đây, trong chuyên trang ẩm thực danh tiếng thế giới
Taste Atlas đã công bố Việt Nam đứng thứ 22 trong bảng xếp loại 100 nền ẩm thực
ngon nhất thế giới 2023 với nhiều món ăn là đặc sản của các vùng miền. Kết
quả này dựa trên đánh giá, bình chọn và chấm điểm của các chuyên gia ẩm thực, đầu
bếp, thực khách khắp thế giới. Sự lan toả của đặc sản ẩm thực Việt đến với bạn
bè năm châu quả là một tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng đặt ra cho chúng ta những
vấn đề nóng trong việc sản xuất, chế biến, quảng bá… và ở tầm vĩ mô hơn là những
nghiên cứu chuyên sâu về đặc sản ẩm thực vùng miền. Bởi nó có ý nghĩa thiết thực
trong việc xây dựng giá trị văn hoá dân tộc nói chung và văn hoá ẩm thực nói
riêng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
trong thời kỳ hội nhập.
Cuốn sách chuyên khảo “Đặc sản ẩm thực xứ Nghệ”
của tác giả TS. Võ Thị Hoài Thương, giảng viên Khoa Du lịch & Công tác Xã hội
- Trường KHXH &NV, Trường Đại học Vinh vừa mới được ấn hành tại Nhà xuất bản
Đại học Vinh là một công trình nghiên cứu, khảo sát hệ thống và công phu về ẩm
thực, đặc sản ẩm thực xứ Nghệ. Sách nằm trong khuôn khổ Chương trình đặt hàng sử
dụng ngân sách Nhà nước năm 2023.
Tác giả và BTV Cao Thị Anh Tú
Sách gồm 5 chương: Chương 1 giới thiệu tổng quan về
nghiên cứu ẩm thực và đặc sản ẩm thực; Chương 2 phân tích về địa bàn nghiên cứu
và điều kiện phát triển đặc sản ẩm thực xứ Nghệ; Chương 3 đi sâu khảo cứu về một
số đặc sản ẩm thực truyền thống của xứ Nghệ; Chương 4 là những phân tích về quá
trình sản xuất, kinh doanh đặc sản ẩm thực xứ Nghệ; Chương 5 làm rõ tác động của
đặc sản ẩm thực đến phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An và Hà Tĩnh
(1986-2010).
Điều đặc biệt ở cuốn sách là việc
nghiên cứu về đặc sản ẩm thực tại hai
địa phương Nghệ An - Hà Tĩnh được soi chiếu
dưới góc nhìn lịch sử; khảo cứu về một
vấn đề rất gần gũi với đời sống thường nhật của con người nhưng được tiếp cận
theo lớp lang, khoa học, chuyên sâu. Qua cuốn sách, bạn đọc có điều kiện để tìm hiểu một
cách tổng quan về lịch sử nghiên cứu ẩm thực và đặc sản ẩm thực với những nội
dung cụ thể như: tình hình nghiên cứu, việc đánh giá tình hình nghiên cứu, hướng
tiếp cận và xử lý lựa chọn đối tượng nghiên cứu của tác giả cuốn sách. Các nội
dung khác như việc xác định địa bàn nghiên cứu; các điều kiện phát triển đặc sản
ẩm thực xứ Nghệ cũng như việc giới thiệu một số đặc sản ẩm thực tiêu biểu của xứ
Nghệ; quá trình sản xuất, kinh doanh… cũng được nghiên cứu trên tinh thần này.
Trên cơ sở xác định và bám sát các tiêu chí cụ thể,
tác giả cuốn sách đã phân loại đặc sản vùng (và đặc sản quốc gia), tập trung giới
thiệu về các đặc sản mang tính đại diện cho đặc sản ẩm thực ở hai tỉnh Nghệ An
và Hà Tĩnh. Cụ thể, các đặc sản ẩm thực được lựa chọn trong cuốn sách là: bưởi
Phúc Trạch (huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh), cam Vinh (các loại cam trồng ở vùng
Phủ Quỳ của tỉnh Nghệ An), cam Xã Đoài (huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An), kẹo Cu đơ
(Cầu Phủ, thành phố Hà Tĩnh), nhút Thanh Chương (Nghệ An), tương Nam Đàn (Nghệ
An), nước mắm Nghệ An (ở Quỳnh Dỵ - Quỳnh Lưu, Vạn Phần - Diễn Châu và Cửa Hội,
Cửa Lò đều thuộc tỉnh Nghệ An) và rượu Can Lộc (Hà Tĩnh). Ở mỗi loại đặc sản,
tác giả khảo sát và nghiên cứu trên các phương diện chính như: Đặc điểm sinh
thái vùng đất của loại đặc sản được lựa chọn; nguồn gốc, đặc điểm; vai trò, vị
trí của đặc sản đó trong đời sống văn hoá của người Nghệ… Người đọc cuốn sách
chắc chắn sẽ tìm thấy ở đây những nội dung gần gũi, quen thuộc bởi đó là kinh
nghiệm, là văn hóa ẩm thực của một vùng miền; nhưng cũng rất thú vị khi có thể
tiếp cận nội dung này một cách hệ thống và chuyên sâu, có thể khơi mở những ý
tưởng mới…
Tác giả kiểm tra bản in tại Nhà in Quân khu IV
Tác giả cuốn sách lại là
người con của
xứ Nghệ, có một tình yêu đặc biệt dành cho sản phẩm đặc sản ẩm
thực của vùng đất này, có điều kiện thực tế, tìm hiểu sâu sát vùng đất, con người
chăm bón, nuôi dưỡng tinh hoa ẩm thực của xứ Nghệ. Thế nên, đọc cuốn sách, cũng
là một cách tiếp cận riêng với văn hóa của vùng miền này. Sách cũng là sản phẩm
nghiên cứu khoa học của tác giả trong suốt quá trình học tập và công tác… Chính
vì vậy, “Đặc sản ẩm thực xứ Nghệ” chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo
hữu ích trong công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, kinh
tế địa phương và phát triển đặc sản ẩm thực ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; là nguồn tài liệu tham
khảo phục vụ việc giảng dạy sinh viên các ngành Lịch sử, Việt Nam học, Quản lý
văn hoá, Du lịch... ở trường Đại học.
Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn
sách “Đặc sản ẩm thực xứ Nghệ” của tác giả Võ Thị Hoài Thương tới quý bạn
đọc!
Tin bài: NXB ĐHV