Quản lý giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, vì nó không chỉ nhằm thiết lập định hướng phát triển thông qua tầm nhìn và các mục tiêu đặt ra, mà còn kiểm soát, điều khiển các nguồn lực theo những nguyên tắc, giá trị đã được thiết lập để đạt tới tầm nhìn và đảm bảo thực hiện các mục tiêu giáo dục.
Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nhưng quản lí giáo dục vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Để phát huy các mặt mạnh và đặc biệt là khắc phục các yếu kém của quản lý giáo dục Việt Nam, đồng thời định hướng cho tương lai, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định: “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo coi trọng quản lý chất lượng”.
Để đáp ứng với những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chủ trì Chương trình nghiên cứu khoa học giáo dục cấp Bộ: “Đổi mới quản lý giáo dục trong quá trình hội nhập quốc tế„ thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2012, nhằm phát triển cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp đổi mới quản lí giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xã hội trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chương trình được triển khai với 7 chủ đề chính: (1) Đổi mới quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục; (2) Giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục; (3) Đổi mới quản lí cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; (4) Đổi mới quản lý nhà trường phổ thông Việt Nam; (5) Đổi mới quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp; (6) Đổi mới quản lý nhà trường đại học Việt Nam; (7) Phát triển đội ngũ lãnh đạo và quản lý giáo dục Việt Nam. Các chủ đề trên được tổ chức thực hiện thông qua hệ thống đề tài cấp Bộ, kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu tại các Hội đồng đánh giá cấp Bộ.
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ban chủ nhiệm Chương trình xin trân trọng giới thiệu tới đông đảo bạn đọc, các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý quan tâm về kết quả nghiên cứu của chủ đề “Đổi mới quản lý nhà trường đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” được phản ánh trong chuyên khảo “Đổi mới quản lý nhà trường đại học Việt Nam, thực trạng và giải pháp”. Hi vọng cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có ích đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí và hoạch định chính sách trong việc thực hiện các giải pháp đổi mới quản lí giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KHOA HỌC GIÁO DỤC VIỆT NAM
CHỦ NHIỆM CHƯƠNG TRÌNH
GS. TS. Phan Văn Kha