Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu Lời nói đầu trong cuốn giáo trình Cơ chế phản ứng hữu cơ của tác giả TS. Lê Đức Giang (Khoa Hóa học, Đại học Vinh). Sách mới được ấn hành vào đầu tháng 5 năm 2015. 

Thực hiện đổi mới giáo dục đại học, hầu hết các trường Đại học trong cả nước đã chuyển đổi từ hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm 2010. Không thể phủ định những ưu điểm của việc đào tạo tín chỉ: quy trình đào tạo mềm dẻo, lấy người học làm trung tâm, tạo cho sinh viên có tính chủ động rất cao trong quá trình tiếp cận với môn học cũng như được chủ động về mặt thời gian, tăng thời gian tự học cho sinh viên và giảm thời gian lên lớp của giảng viên,… Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi chuyển từ đào tạo theo học chế niên chế sang học chế tín chỉ là thiếu tài liệu, giáo trình để sinh viên học tập. Giáo trình Cơ chế phản ứng hữu cơ dùng cho sinh viên các ngành Hóa học và sư phạm Hóa học trình độ Đại học theo học chế tín chỉ nhằm cụ thể hóa nội dung, kiến thức, kỹ năng và thái độ được quy định trong chương trình đào tạo ngành Hóa học và sư phạm Hóa học của Trường Đại học Vinh. Giáo trình này còn là tài liệu tham khảo cho học sinh Trung học phổ thông chuyên Hóa học, học viên cao học ngành Hóa học, giáo viên Hóa học ở các trường Trung học phổ thông cũng như giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm.

Giáo trình Cơ chế phản ứng hữu cơ gồm 10 chương. Trong đó nội dung của ba chương đầu (chương 1, chương 2 và chương 3) cung cấp các kiến thức cơ sở về hóa học hữu cơ như: cấu trúc không gian của phân tử, hoá học lập thể, các loại hiệu ứng cấu trúc, các tiểu phân trung gian của phản ứng hữu cơ và các phương pháp xác định cơ chế của phản ứng hữu cơ. Bảy chương còn lại (từ chương 4 đến chương 10) đề cập các nội dung về đặc điểm cơ chế, hoá lập thể và các yếu tố ảnh hưởng đến cơ chế phản ứng trong hoá hữu cơ như: phản ứng thế ở nguyên tử cacbon no; phản ứng cộng và thế ở nhân thơm; phản ứng cộng vào liên kết bội cacbon-cacbon và nhóm cacbonyl; phản ứng tách tạo liên kết bội cacbon-cacbon; phản ứng oxi hoá-khử và một số phản ứng chuyển vị. Trong mỗi chương đều đưa ra các yêu cầu về kiến thức cần đạt được đối với sinh viên, hướng dẫn tự học, nội dung thảo luận, các câu hỏi để sinh viên hệ thống lại các nội dung lý thuyết đã học và bài tập với mức độ khác nhau để sinh viên tự giải.

Khi viết giáo trình này, tác giả đã tham khảo giáo trình Lý thuyết hóa hữu cơ (2 tập) của GS.TS. Trần Quốc Sơn, giáo trình Lý thuyết hóa hữu cơ của PGS.TS. Thái Doãn Tĩnh, Hóa học hữu cơ (2 tập) của GS.TS. Đặng Như Tại và GS.TS. Ngô Thị Thuận, Hóa hữu cơ 1 của PGS.TS. Nguyễn Hữu Đĩnh (chủ biên), Hóa hữu cơ 2 của PGS.TS. Đỗ Đình Rãng (chủ biên) cùng với một số tài liệu tham khảo khác của các tác giả ở trong và ngoài nước. Tác giả xin chân thành cảm ơn sự đóng góp ý kiến quý báu của các thầy cô và đồng nghiệp cho bản thảo của giáo trình.

Mặc dù đã rất cố gắng khi biên soạn nhưng chắc chắn giáo trình này vẫn còn nhiều thiếu sót, tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc về cấu trúc, nội dung và hình thức của giáo trình.

                                                                                                               TS. Lê Đức Giang