Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn giáo trình Hợp chất thiên nhiên của tác giả PGS.TS. Trần Đình Thắng. Sau đây là Lời nói đầu của cuốn sách:
Các hợp chất thiên nhiên là nguồn cung cấp các phân tử có sự đa dạng rất lớn về cấu trúc và hoạt tính sinh học. Các cấu trúc khung phân tử do thiên nhiên sinh tổng hợp và sắp xếp các nhóm chức trong các cấu trúc này cho phép chúng ta dự đoán về sự phát triển và hình thành của các cấu trúc phân tử trong quá trình tiến hoá của thực vật, động vật và vi sinh vật để tạo ra một hiệu quả tối ưu trong sự điều chỉnh các chức năng sinh học. Nói cách khác, thiên nhiên cung cấp đầu mối về điều kiện cấu trúc cần thiết biểu hiện các hoạt tính sinh học khác nhau. Sự đa dạng về cấu trúc hoá học của các hợp chất thiên nhiên có liên quan đến sự đa dạng sinh học của các nguồn gốc thiên nhiên sinh tổng hợp ra chúng. Hơn nữa, các hợp chất có hoạt tính sinh học được tìm thấy từ thiên nhiên có thể dùng trực tiếp trong y học, nhiều hợp chất khác được dùng như chất dẫn đường (lead compound) hoặc phân tử hiện đại (mẫu) cho tổng hợp và bán tổng hợp thuốc. Việc sử dụng sản phẩm thiên nhiên đóng vai trò là nguồn hợp chất dẫn đường làm phong phú và đa dạng về cấu trúc của hợp chất tổng hợp và bán tổng hợp thuốc.
Hiện nay, các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên đóng góp 30% số lượng thuốc trên thị trường thế giới và đó cũng là tỷ lệ đối với các hợp chất đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Theo thống kê thì ít nhất có 119 hợp chất bắt nguồn từ 90 loài cây có thể được xem là các thuốc quan trọng được sử dụng ở một hay nhiều nước. Các thuốc chống ung thư có nguồn gốc từ thiên nhiên đang được sử dụng trong điều trị như vincristin (Oncovin®), một vinca alkaloit từ Catharanthus roseus G. Don (Apocynaceae), etoposit một dẫn xuất bán tổng hợp của podophyllotoxin có trong thành phần của cây Podophyllum peltatum L. (Berberidaceae), paclitaxel (Taxol®), hợp chất taxan diterpenoit từ Taxus brevifolia L. (Taxaceae), và các dẫn xuất irinotecan, topotecan của camptothecin, alkaloit được phân lập từ Camptotheca accuminata Decne. (Nyssaceae), hay thuốc chống sốt rét artemisinin từ Artemisia annua L. (Asteraceae) là những hợp chất minh họa điển hình. Nhu cầu điều trị các loại bệnh khác nhau, cùng với hiện tượng kháng thuốc trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư, thúc đẩy các nhà nghiên cứu phát hiện các tác nhân điều trị mới với cơ chế tác dụng mới.
Nguồn sinh vật, đặc biệt là các cây thuốc cổ truyền, vẫn tiếp tục là mối quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu về các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học, vì tính đa dạng của chúng thường hứa hẹn sự phong phú của các chất hóa học với cấu trúc mới lạ. Tiềm năng của thực vật bậc cao là nguồn cung cấp dược phẩm mới nhưng chỉ được khảo sát bước đầu. Trong số các sinh vật thì chỉ một tỷ lệ phần trăm nhỏ đã được nghiên cứu về mặt hóa học thực vật, và chỉ một phần nhỏ hơn nữa được đưa vào các nghiên cứu sàng lọc sinh học và dược lý học.
Việt Nam có gần 10.000 loài thực vật bậc cao, 800 loài rêu, 600 loài nấm và hơn 2.000 loài tảo; về động vật có 224 loài thú, 828 loài chim, 258 loài bò sát và 5.500 loài côn trùng... Do tầm quan trọng của chúng nên trong những năm gần đây việc nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học từ nguồn tài nguyên thiên nhiên được đẩy mạnh; hiệu quả của các nghiên cứu cũng được nâng cao, nhờ cách tiếp cận đa ngành (hoá học, sinh học, dược lý học, và y học lâm sàng) cùng với việc phát triển các phương pháp chính xác cao trong phân tích, phân tách và phân lập nhanh, các phương pháp hiện đại xác định cấu trúc các hợp chất thiên nhiên và các phương pháp thử nghiệm sinh học cho phép sàng lọc nhanh với số lượng lớn các mẫu. Việc áp dụng rộng rãi quy trình phân tách các hỗn hợp chất được định hướng thông qua việc sàng lọc hoạt tính sinh học, cũng như việc có được chiến lược tốt trong việc lựa chọn các loài sinh vật cho nghiên cứu nhằm phát hiện tác nhân có hoạt tính mới cũng đóng vai trò quan trọng.
Trong mỗi chương đều có ví dụ cụ thể và các câu hỏi ôn tập. Cuốn sách này được biên soạn làm giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học của ngành Hóa học, Trường đại học Vinh, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo cho các cán bộ giảng dạy hóa học hữu cơ, các sinh viên ngành hóa hữu cơ và các nhà nghiên cứu quan tâm đến hợp chất thiên nhiên.
Giáo trình Hợp chất thiên nhiên gồm 9 chương, bao gồm các lớp chất thiên nhiên có trong thực vật, động vật và vi sinh vật như terpenoit, alkaloit, steroit, flavonoit, phenolic, axit amin, cacbohydrat, lipit, vitamin.
Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng không thể tránh khỏi thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được nhiều ý kiến phê bình đóng góp xây dựng của bạn đọc để hoàn chỉnh trong các lần tái bản sau.
TÁC GIẢ