Phát triển kinh tế - xã hội là nhu cầu và mục tiêu của mọi quốc gia và mọi thời đại. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng đã gây ra nhiều hệ lụy đối với chất lượng môi trường sống. Hiện nay, chất lượng môi trường đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở các khu vực đô thị lớn, các khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp và đã trở thành mối quan tâm chung của mọi người trên toàn thế giới. Suy giảm tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người mà còn gây tổn hại không nhỏ đến kinh tế - xã hội, là một trong những nguyên nhân sâu xa của biến đổi khí hậu, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng đang là nguyên nhân gây nên sự cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Thách thức đối với thế giới hiện nay là “Phát triển bền vững”, đó là sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa 3 lĩnh vực: kinh tế - xã hội, môi trường và dân số. Điều đó đòi hỏi mỗi chúng ta, mỗi một công dân hay một sinh viên tốt nghiệp đại học cần hiểu được các vấn đề môi trường và những tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội lên tài nguyên và môi trường, ít nhất là những tác động trong lĩnh vực hoạt động của bản thân họ.
Trong nhiều năm qua, công tác giáo dục bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, chương trình giáo dục bảo vệ môi trường được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc mầm non đến đại học. Các học phần về giáo dục môi trường đã được xem là học phần bắt buộc với sinh viên của tất cả các ngành trong các trường đại học trong giai đoạn 2005 - 2010, trong đó có trường Đại học Vinh. Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, học phần “Môi trường và phát triển” đã được nhiều ngành lựa chọn là học phần tự chọn cho sinh viên của ngành mình trong 2 năm đào tạo đầu, đó là các ngành Công tác xã hội, Du lịch, Ngữ văn... và một số ngành sư phạm. Theo chúng tôi, trang bị kiến thức về môi trường cho các nhà giáo, các cử nhân và các kỹ sư tương lai là rất cần thiết giúp họ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giáo dục môi trường và phát triển bền vững trong lĩnh vực của họ sau này.
Giáo trình Môi trường và Phát triển được biên soạn nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập về môi trường cho các sinh viên không thuộc khối ngành Khoa học Môi trường, nhằm cung cấp những kiến thức tổng quan nhất về các vấn đề môi trường và tác động của sự phát triển đến tài nguyên và môi trường, góp phần trang bị cho sinh viên những năng lực cơ bản để có thể sống, làm việc và đóng góp tốt hơn cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Giáo trình này gồm 4 chương, trong đó Chương 1 do Đào Thị Minh Châu biên soạn; Chương 2 do Đào Thị Minh Châu và Nguyễn Lê Ái Vĩnh biên soạn; Chương 3 do Nguyễn Đức Diện và Đinh Thị Kim Hảo biên soạn và Chương 4 do Đào Thị Minh Châu và Nguyễn Anh Dũng biên soạn.
Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng không thể tránh khỏi thiếu sót, nhóm tác giả rất mong nhận được những lời góp ý của bạn đọc để có thể hoàn chỉnh trong lần tái bản sau.
CÁC TÁC GIẢ