Trong thời gian qua, phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và được thể hiện rõ nét trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng như các ngành và địa phương của Việt Nam. Sau hơn 20 năm thực hiện, đặc biệt là sau mười năm (2004 - 2014) triển khai Định hướng chiến lược phát triển bền vững, Việt Nam đã tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức mang tính toàn cầu như an ninh năng lượng, an ninh mạng thông tin, an ninh về nguồn nước và biến đổi khí hậu v.v… đang là sự cản trở đối với tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam. Vì vậy, để luận giải về quá trình hình thành, những nội dung, quan điểm phát triển bền vững của Liên hợp quốc, việc thực hiện phát triển bền vững của các tổ chức, các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam với những kết quả và các bài học kinh nghiệm, xác định rõ những cơ hội, những thách thức và đưa ra những định hướng, giải pháp để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững là một việc làm cần thiết đúng như mục đích của môn học Phát triển bền vững trong chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Triết học, Chính trị học và Kinh tế chính trị của cơ sở đào tạo sau đại học Trường Đại học Vinh. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên cao học, nghiên cứu sinh có tài liệu học tập, tham khảo góp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học các chuyên ngành Triết học, Chính trị học và Kinh tế chính trị, chúng tôi biên soạn Giáo trình Phát triển bền vững. Giáo trình Phát triển bền vững được biên soạn thành 6 chương, thời lượng giảng dạy 03 tín chỉ với nội dung chính như sau:
Chương 1: Nhập môn, tập trung giới thiệu: đối tượng nghiên cứu của môn học; nội dung môn học và phương pháp nghiên cứu môn học Phát triển bền vững.
Chương 2: Tập trung làm rõ một số khái niệm chung như: tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế; cơ cấu kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; môi trường và bảo vệ môi trường; các thách thức về kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển; phân tích quá trình hình thành từ phát triển đến phát triển bền vững.
Chương 3: Nghiên cứu về khái niệm và nội dung phát triển bền vững trên các lĩnh vực: xã hội; tài nguyên – môi trường; kinh tế; thể chế; đồng thời đưa ra các nguyên tắc phát triển bền vững và hệ thống các chỉ số phát triển bền vững.
Chương 4: Nghiên cứu khung khổ và thực thi phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chương 5: Nghiên cứu khung khổ và thực thi phát triển bền vững của một số nước trên thế giới, tập trung vào những thành tựu và chiến lược phát triển bền vững của một số nước: Cộng hòa Liên bang Đức; Vương quốc Anh; Canada; Nhật bản; Thái Lan; Phillippin.
Chương 6: Nghiên cứu về một số vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam.
Những nội dung cụ thể được tập trung như: mục tiêu, nguyên tắc phát triển bền vững; các lĩnh vực xã hội cần ưu tiên thực hiện phát triển bền vững; các lĩnh vực tài nguyên - môi trường cần ưu tiên thực hiện phát triển bền vững; các vấn đề về thể chế cần ưu tiên thực hiện phát triển bền vững; Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong thời gian qua; định hướng phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2020: quan điểm, mục tiêu và những ưu tiên trong định hướng phát triển bền vững, những thách thức mới cho phát triển triển bền vững và khung phát triển bền vững cho giai đoạn 2011 - 2020 ở Việt Nam. Nội dung của 6 chương trên được thể hiện bằng cách thức thức diễn giải, phân tích kết hợp với các minh họa, biểu, bảng. Cuối mỗi chương đều có phần nội dung ôn tập, câu hỏi thảo luận nhằm giúp người học củng cố lại và phát triển các kiến thức đã học. Giáo trình Phát triển bền vững được xây dựng và kế thừa từ các nguồn tư liệu: báo cáo của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về phát triển bền vững; các công trình nghiên cứu của các nhà triết học, chính trị học, kinh tế học, văn hóa học, xã hội học, khoa học môi trường, các nhà quản lý... trong và ngoài nước về mọi khía cạnh của phát triển bền vững. Trong quá trình biên soạn, giáo trình đã được các nhà khoa học trong và ngoài trường góp ý, thẩm định, đánh giá và đồng thuận. Tập thể tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, các nhà khoa học, các đồng nghiệp và các bạn học viên cao học, nghiên cứu sinh ở trong và ngoài Trường Đại học Vinh đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho giáo trình. Đặc biệt, tập thể tác giả xin chân thành cảm ơn GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; GS.TS. Mai Ngọc Cường - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế 8 phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Nguyễn Đăng Bằng - nguyên Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh; PGS.TS. Nguyễn Lương Bằng - nguyên Phó Trưởng Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Vinh; TS. Trần Viết Quang - Phó Trưởng Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Vinh; TS. Nguyễn Thị Minh Phượng - Trưởng bộ môn Kinh tế Đầu tư và Phát triển, Khoa Kinh tế Trường Đại học Vinh đã trực tiếp góp ý vào các chương của giáo trình và chia sẻ các nội dung biên soạn. Xây dựng Giáo trình Phát triển bền vững dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Triết học, Chính trị học và Kinh tế chính trị là một công việc mới mẻ, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao đối với tập thể tác giả. Tập thể tác giả đã dành nhiều thời gian và công sức với cố gắng cao nhất để hoàn thành giáo trình. Tuy nhiên, đây là giáo trình được biên soạn lần đầu, do đó, sẽ không tránh khỏi những sai sót, tập thể tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, học viên cao học, nghiên cứu sinh và bạn đọc để hoàn thiện giáo trình này ngày một tốt hơn.
Thay mặt tập thể tác giả
PGS.TS. Bùi Văn Dũng