Hóa học phân tích là một ngành khoa học nghiên cứu về các phương pháp phân tích định tính và định lượng thành phần các chất.

                              Phân tích định tính nhằm xác định những nguyên tố hóa học, những ion, những nguyên tử hoặc các phần tử nào có trong thành phần phân tích. Khi phân tích một chất chưa biết, quá trình phân tích định tính được tiến hành trước khi phân tích định lượng. Phân tích định tính dựa trên cơ sở chuyển đối tượng phân tích thành hợp chất mới có những tính chất vật lý, tính chất hóa học đặc trưng như sự thay đổi màu sắc, sự tạo thành kết tủa, sự tạo hợp chất có mùi, hay tính tan trong các dung môi khác nhau...Từ những tính chất đặc trưng đó xác định được đối tượng cần phân tích định tính là đối tượng nào.

                              Phân tích định lượng là phép phân tích xác định thành phần về lượng các hợp phần của chất phân tích. Phân tích định lượng có thể thực hiện bằng các phương pháp phân tích hóa học hoặc bằng các phương pháp phân tích công cụ.

                              Trong giáo trình "Thực hành hóa phân tích", chúng tôi trình bày các bài thí nghiệm hóa phân tích cơ bản, tương đối đơn giản giúp sinh viên làm được các bài thí nghiệm có nội dung thực hành hóa phân tích thuộc các học phần: "Thực hành hóa phân tích", "Các phương pháp phân tích hóa học", "Hóa kỹ thuật và môi trường", "Hóa học đại cương (nhóm ngành môi trường)", " Hóa đại cương B". Các học phần có nội dung thực hành hóa phân tích này sẽ được áp dụng cho sinh viên kể từ khóa 54 trở đi.

                  Giáo trình gồm bốn phần:

                  Phần IPhân tích định tính

                              Trong phần này gồm 10 bài thí nghiệm định tính các cation, anion được chia theo từng nhóm hoặc hỗn hợp các nhóm phân tích.

                  Phần IIĐịnh lượng bằng các phương pháp phân tích hóa học

                              Trong phần này gồm 14 bài thí nghiệm định lượng sử dụng các phương pháp hóa học như các phương pháp phân tích thể tích và phương pháp phân tích khối lượng.

                  Phần III: Định lượng bằng các phương pháp phân tích công cụ

                              Trong phần này gồm 20 bài thí nghiệm định lượng các chất, sử dụng các công cụ, máy móc phức tạp tương ứng với các phương pháp UV- VIS, sắc ký, điện hóa, phương pháp quang phổ nguyên tử...

                  Phần IV: Phân tích môi trường

                              Trong phần này bao gồm 15 bài thí nghiệm xác định một số chỉ tiêu quan trọng trong phân tích các môi trường nước, đất và không khí.

                  Trong đó:

 - Học phần "Thực hành hóa phân tích" có nội dung các bài thí nghiệm thuộc phần I, phần II, phần III.

- Học phần "Các phương pháp phân tích hóa học" có nội dung các bài thí nghiệm thuộc phần II, phần III.

- Học phần "Hóa kỹ thuật và môi trường" có nội dung các bài thí nghiệm thuộc phần  IV.

- Học phần "Hóa học (nhóm ngành môi trường)" có nội dung các bài thí nghiệm thuộc phần  I, phần II, phần IV.

- Học phần "Hóa đại cương B" có nội dung các bài thí nghiệm thuộc phần I, phần II.

 

Chúng tôi hi vọng giáo trình này sẽ giúp cho sinh viên có điều kiện nắm vững các học phần có nội dung thực hành hóa phân tích. Mong rằng qua giáo trình này, sinh viên sẽ nắm vững được bản chất của các phản ứng, thao tác thực hành nhuần nhuyễn các phản ứng để có một kỹ năng thí nghiệm, tay nghề thuần thục, khi ra trường trở thành cán bộ chuyên môn giỏi.

                              Giáo trình này không chỉ dùng cho sinh viên học tập mà còn là tài liệu tham khảo cho các giáo viên, kỹ thuật viên công tác tại các phòng thí nghiệm hóa học. Trân trọng giới thiệu tới các em sinh viên, đồng nghiệp và bạn đọc gần xa!

                                                                                                                                 TS. Đinh Thị Trường Giang