Thái Kim Đỉnh là nhà địa phương học hàng đầu của xứ Nghệ, là nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín trong nước với hàng loạt những công trình giá trị. Ông có sự cẩn trọng, tỉ mỉ của một nhà khoa học và sự mẫn cảm của một người nghệ sĩ nên những cuốn sách của ông thực sự hấp dẫn, thu hút đông đảo độc giả. Từ nhiều năm qua, tác phẩm của Thái Kim Đỉnh đã được xuất bản và tái bản nhiều lần, với tư cách là những tác phẩm độc lập.

Tuyển tập Thái Kim Đỉnh (Nhà xuất bản Đại học Vinh) gồm 7 tập, là công trình đến với bạn đọc một cách đầy đủ và có hệ thống. Tập I: Văn hóa dân gian Hà Tĩnh. Tập II: Hà Tĩnh - Đất và Người (Phần thứ nhất); Tập III: Hà Tĩnh - Đất và Người (Phần thứ hai); Tập IV: Văn chương - tìm hiểu và giới thiệu; Tập V: Truyện Kiều và thơ văn quanh Truyện Kiều; Tập VI: Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ; Tập VII: Văn, Thơ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu hai cuốn trong hệ thống công trình trên – Tập II và Tập III – Hà Tĩnh - Đất và Người.


Bìa các cuốn sách  Hà Tĩnh - Đất và Người (Phần thứ nhất và Phần thứ hai) của Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh do Nhà xuất bản Đại học Vinh xuất bản năm 2018.

Như tiêu đề Hà Tĩnh - Đất và Người, trong cuốn sách, nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đã có những phân tích, lý giải sâu sắc và thú vị về mảnh đất và con người Hà Tĩnh, trên cả phương diện đồng đại lẫn lịch đại. Ở đó, ta vừa thấy được trục thời gian của các sự kiện lịch sử, vừa thấy được không gian văn hóa của từng vùng đất cụ thể ở Hà Tĩnh. Hai điểm nhìn này đan xen nhau trong cả hai cuốn sách, tạo nên trường nhìn vừa bao quát, vừa có điểm nhấn, có chiều sâu.

Tập II gồm các nội dung: Sông núi quê hương, Làng và làng nghề, Di tích lịch sử văn hóa, Một số dòng họ tiêu biểu ở Hà Tĩnh.

Tập III gồm các nội dung: Hà Tĩnh - Đất và Người, Nhân vật lịch sử - văn hóa, Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh từ đời Trần đến đời Nguyên và Phụ lục.  

Nếu chưa có thời gian đọc kỹ, chỉ cần nhìn vào kết cấu và nội dung của cơ bản của cuốn sách, người đọc đã cảm thấy hài lòng. Những khảo cứu cẩn trọng từ sách vở và sự miệt mài từ những chuyến điền dã đã giúp tác giả có được những tư liệu quý. Những tư liệu ấy được chuyển tải bởi một con người thuộc về nền văn hóa xứ Nghệ, yêu tha thiết văn hóa xứ Nghệ, muốn bảo lưu những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy, và lan tỏa nó đến với những người khác.

Văn phong của Thái Kim Đỉnh thực sự có “duyên”, càng đọc càng thấy thú. Đây là một đoạn tác giả viết về Sông Lam – Lam Giang: “Ngàn Cả - Sông Lam, với khối lượng nước khổng lồ 20 tỷ khối hàng năm đã tạo nên cảnh xanh tươi và trù phú đôi bờ, và là con đường thủy quan trọng nhất xứ Nghệ. Gỗ, mét, nứa, mây, nâu, măng… từ sông Cấy, sông Con cánh bè về xuôi… Nhưng trước hết, Ngàn Cả - Sông Lam là con sông văn hóa - lịch sử. Những di tích lịch sử ken dày hai bên bờ sông, từ thượng nguồn đến hạ nguồn..” [Trích Hà Tĩnh - Đất và Người, Tập II, tr.14, 15]. Hay những nhận định về tình hình học hành khoa cử và các nhà khoa bảng Hà Tĩnh: “Học trò xứ Nghệ, học trò Hà Tĩnh vốn ham học, chăm chỉ, nổi tiếng “học gạo”. Có những người từ nhỏ đã thông minh như Dương Trí Dụng, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Nghiễm, Hà Tôn Mục, Phan Phúc Cẩn, Nguyễn Khắc Niêm… cũng có những người như Phan Đình Phùng, vốn tối dạ, học trước quên sau, vẫn kiên trì “đóng cửa đọc sách” quyết chí tranh ngôi đoạt giáp. Bên lớp thiếu niên, có người trên 70 như cụ Tú Uyển - Nguyễn Khương, thậm chí trên 80 như cụ cử Đoàn Tử Quang vẫn cứ học, cứ thi… ” [Trích Hà Tĩnh - Đất và Người, Tập III, tr.355]…

Với những người con của mảnh đất Hà Tĩnh, các công trình của Thái Kim Đỉnh rõ ràng là tài sản vô giá để họ hiểu thêm về văn hóa quê hương mình. Còn với những người không sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, sách của Thái Kim Đỉnh giúp họ thỏa mãn khao khát khám phá văn hóa của một vùng đất được xem là “địa linh, nhân kiệt” của đất nước. Mảnh đất đầy ân tình, ân nghĩa và những con người trí tuệ, kiên cường, đầy chí khí, bản lĩnh nơi đây đã làm nên sức sống mãnh liệt của văn hóa xứ Nghệ tự bao đời nay.  

                                                                                              Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Hiếu