Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, biết bao lớp tiền nhân đã để lại cho hậu thế không chỉ một vùng đất giàu tiềm năng và nhiều thách thức, mà còn là một gia tài di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khổng lồ, phong phú và đa dạng, được các thế hệ người dân Hà Tĩnh xây đắp, bảo tồn, kế thừa và phát huy trong đời sống văn hóa hôm nay, như nhắc nhở chúng ta luôn luôn nhớ đến nguồn cội.

Bởi di tích lịch sử văn hoá là nơi ghi dấu công sức, tài nghệ của cá nhân hoặc tập thể trong lịch sử để lại. Nó là tài sản văn hoá quý giá của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, mỗi đất nước và của cả nhân loại và là những bằng chứng trung thành xác thực, cụ thể nhất về đặc điểm văn hoá của mỗi đất nước. Ở đó chứa đựng những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp, về kỹ năng kỷ xảo và về tâm linh con người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói "Một nước mà không có di tích thì mất hết ý nghĩa". Di tích lịch sử văn hóa là nhịp cầu nối liền lịch sử quá khứ với hiện tại và tương lai, đã đang và sẽ là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển đi lên của đất nước, song hành với nhân dân, nâng đỡ và chắp cánh cho chúng ta bay tới những chân trời khoa học mới.

Với hàng mấy trăm di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận và xếp hạng, đã minh chứng về một miền quê Hà Tĩnh, có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Các di tích lịch sử văn hóa đều được xây dựng nên bởi bàn tay và khối óc tài hoa của các thế hệ cha ông, chứa đựng những giá trị tinh thần cao quý, chắt lọc qua bao thăng trầm của lịch sử. Mỗi di tích đều để lại dấu ấn văn hóa bản địa sâu sắc của người Việt từ ngàn xưa trên đất Hà Tĩnh. Trong mối quan hệ truyền thống và hiện đại, các di tích lịch sử văn hóa như đình chùa đền miếu, nhà thờ dòng họ các danh nhân…là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân. Gắn liền với di tích là truyền thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo, sự tích liên quan đến sự hình thành và tồn tại của các di tích trong tiến trình phát triển của lịch sử. Vì vậy, những giá trị của di tích không chỉ là bản thông điệp giữa các thế hệ, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, không chỉ ở tự thân các di tích, của các địa phương có di tích, mà còn phải được giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, giúp cho mọi người có thêm những hiểu biết nhất định về miền đất, con người nơi mình sinh sống, tự hào với truyền thống vẻ vang của quê hương mình, đồng thời giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế khi đến thăm mảnh đất Hà Tĩnh. Đó cũng là mục đích của cuốn sách “Hà Tĩnh-Di tích Quốc gia và Quốc gia đặc biệt”. Sách tập trung giới thiệu những nét cơ bản nhất về địa điểm phân bổ, nội dung lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hóa của 02 di tích Quốc gia đặc biệt và trên 70 di tích Quốc gia, được sắp xếp theo thời gian xếp hạng của các huyện, thị xã và thành phố.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách của nhóm tác giả Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc xa gần.

                                                  PHAN THƯ HIỀN                                           

                       Chi hội trưởng Chi hội DSVH tỉnh Hà Tĩnh