Đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá trong dạy học, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang cải tiến các phương án thi, kiểm tra, trong đó hình thức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) ngày càng phổ biến vì nó có nhiều ưu điểm so với hình thức thi tự luận. Các bộ ngân hàng đề thi TNKQ của các môn học ở các bậc học lần lượt ra đời, được sử dụng rộng rãi trong các Akì thi và bước đầu đã thu nhận được kết quả rõ rệt, đánh giá được một cách khá thực chất năng lực của người học.
Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của sinh viên qua học phần “Tiếng Việt thực hành” từ trước tới nay đa phần tổ chức thi tự luận như một số học phần khác. Trong phạm vi thời gian hạn chế, đề thi chỉ có thể hỏi vài chủ đề nào đó của môn học. Vì có quá ít chủ đề được đề cập nên việc đánh giá không phủ kín được nội dung môn học, dễ xảy ra hiện tượng “trúng tủ, trật tủ”, tạo nên mức độ may rủi lớn trong thi cử. Bên cạnh đó, giáo viên dạy cũng đồng thời trực tiếp ra đề thi và chấm bài luôn nên các đề thi chưa thực sự khách quan. Mặt khác, việc ra đề thi còn mang nặng cảm tính, giáo viên tuỳ ý thích ra đề phần nào mà mình muốn, mình cảm thấy cần thiết vì chưa có ngân hàng đề thi, nên chưa phản ánh đúng trình độ, khả năng của người học, do đó kết quả học tập chưa cao. Vì thế, xây dựng bộ công cụ kiểm tra, đánh giá học phần này là vấn đề cấp thiết. Cuốn sách của chúng tôi ra đời là nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó.
Cấu tạo của cuốn sách gồm có ba chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về kiểm tra, đánh giá trong giáo dục
Chương này đề cập đến những vấn đề lí luận về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người hoc, như: khái niệm, phân loại, mục đích, ý nghĩa.
Chương 2. Trắc nghiệm khách quan trong giáo dục
Chương này đề cập đến một trong những phương pháp kiểm tra, đánh giá được xem có tính ưu việt đó chính là trắc nghiệm khách quan. Những tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu và cách thức của giáo viên cũng như nội dung kiến thức để biên soạn một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan là nội dung cơ bản của chương này.
Có thể nói chương 1 và chương 2 là cơ sở để chúng tôi đi vào vấn đề cốt lõi: xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan để kiểm tra, đánh giá học phần “Tiếng Việt thực hành”.
Chương 3. Biên soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan học phần ”Tiếng Việt thực hành”
Trong chương này, chúng tôi thực hiện biên soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan học phần ”Tiếng Việt thực hành”. Để ngân hàng câu hỏi đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, chúng tôi dựa vào thời lượng lên lớp ở hai phương diện lý thuyết và thực hành. Trên cơ sở đó đưa ra bảng trọng số và phân bố các câu hỏi theo ba mức độ: biết, hiểu và vận dụng phù hợp với nội dung chương trình chi tiết của học phần. Việc biên soạn nội dung ngân hàng câu hỏi nhất quán, tuân thủ theo nguyên tắc lí thuyết ở chương 1, chương 2 và phù hợp với bảng trọng số, bảng phân bố số lượng, mức độ câu hỏi đã đề ra.
Phần phụ lục, chú thích, lưu ý, đưa ra một số mẫu về mã đề thi sẽ được áp dụng. Và thực tế thử nghiệm, chúng tôi đã thu được một số kết quả cụ thể cho các dạng đề kiểm tra giữa kì, kiểm tra cuối kì. Phần đáp án sẽ hỗ trợ tối đa cho việc đánh giá, xem xét, đo lường của việc dạy và học học phần này.
Biên soạn tài liệu này, các tác giả ít nhiều có thừa kế kinh nghiệm của những nhà khoa học, những người đi trước. Hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo góp phần giảm bớt những khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá hiện có của học phần này.
Cuốn sách này được biên soạn lần đầu nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sơ suất. Trong quá trình sử dụng rất mong nhận đươc sự hồi âm, đóng góp của bạn đọc.
Nghệ An, tháng 6 năm 2016
CÁC TÁC GIẢ