Từ cuối những năm 1980 đến nay, cùng với công cuộc mở cửa, Đổi mới và sự phát triển của mạng truyền thông toàn cầu, các lí thuyết văn học phương Tây ngày càng được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Ngoài lí thuyết Marxist về văn nghệ, chúng ta đã có dịp tiếp cận với nhiều xu hướng lí thuyết văn học khác nhau: Xu hướng phê bình hướng về tác giả như Tiểu sử học, Phân tâm học, Xã hội học, Văn hóa – lịch sử; xu hướng phê bình hướng về văn bản như Thi pháp học, Chủ nghĩa hình thức Nga, Phê bình Mới, Cấu trúc luận; xu hướng phê bình hướng về người đọc như Hậu cấu trúc luận, Mĩ học tiếp nhận, Thông diễn học… Mỗi lí thuyết với những thế mạnh riêng đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu, phê bình và bạn đọc những công cụ, phương tiện quan trọng giúp người đọc đi sâu khám phá và mở rộng thế giới nghệ thuật của văn bản, tác phẩm.
Ở Việt Nam, lí thuyết văn chương không phát triển mạnh, các thành tựu lớn về phê bình lí thuyết còn hạn chế, phê bình văn học rất ít khi được hiểu như là sự suy tư về văn học. Hệ quả là, phê bình văn học ở nước ta trước đây thường nặng về cảm nhận chủ quan, phê bình ấn tượng mà chưa quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển phê bình lí thuyết cũng như ứng dụng lí thuyết vào phê bình các văn bản, tác phẩm, tác gia văn học cụ thể. Để thoát khỏi sự bế tắc của lối phê bình ấn tượng, để mở rộng các con đường tiếp cận văn bản vốn là một thực thể vô cùng sống động, việc nghiên cứu tiếp nhận và ứng dụng các lí thuyết văn học phương Tây vào nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học ở Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, mỗi lí thuyết văn học cũng có những giới hạn nhất định. Tiếp nhận và vận dụng, vì vậy, cần phải dựa trên những lập trường, quan điểm, nguyên tắc khoa học và nhất quán. Song le, để rút ra được những nguyên tắc nhất định, trước hết cần phải có những nghiên cứu thể nghiệm cụ thể. Nằm trong nỗ lực chung đó, cuốn sách này tập hợp các bài viết cũng là các bài tham luận tại hội thảo Lí thuyết phê bình văn học hiện đại - Tiếp nhận và ứng dụng của các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy đến từ Viện Văn học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, trường ĐHSP Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Hồng Đức, ĐHKHXH&NV – ĐHQG Hà Nội, ĐHSP Huế. Các bài viết đều xoay quanh chủ đề hội thảo, vừa giới thiệu bổ sung những vấn đề mới về lí thuyết văn học, vừa đề xuất các quan điểm, nguyên tắc tiếp cận và vận dụng, đồng thời bước đầu thể nghiệm vận dụng các lí thuyết văn học phương Tây vào việc nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học ở Việt Nam.
Một cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu về một vấn đề còn nhiều mới mẻ chắc chắn không tránh khỏi còn có chỗ sơ suất, nông cạn. Chúng tôi rất mong được sự quan tâm, chỉ giáo thêm của bạn đọc để cuốn sách có thể hoàn thiện hơn.
Thanh Hóa, 2013
Tập thể tác giả.