Ngó lên dáng núi, tập bút kí của Trần Đắc Túc (hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Hội Nhà báo Việt Nam) là những trang viết đầy ắp kỉ niệm của tác giả về con người, cảnh vật ở vùng quê Hà Tĩnh, nơi có dãy núi Hồng Lĩnh chứa đựng trong lòng mình bao huyền thoại, đã đi vào thơ ca như một biểu tượng đặc biệt .
Bìa cuốn sách
Ngó lên dáng núi để tự hào về những người con ưu tú đã sinh ra từ mảnh đất này, những Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, những Phan Huân, Võ Liêm Sơn, Bùi Cầm Hổ, Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy… Ngó lên dáng núi để nhớ về làng xưa bạn cũ, nhớ về những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm với những ngày lặn hụp, ngủ vùi trẻ thơ bên dòng sông Nghèn, nhớ những cánh chuồn mỏng tang bay rợp trời chiều, nhớ dáng mẹ trong căn bếp ấm nồng lửa trấu, nhớ những buổi trưa hè râm ran chè xanh, nhớ tiếng giã gạo, tiếng chợ vãn, những ngày lũ quét, lũ chồng… Nhớ và suy tư trước bao điều của cuộc sống, để biết trân trọng hơn những điều giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng. Tất cả đều được thể hiện trong một giọng văn chậm rãi nhưng tràn đầy cảm xúc của Trần Đắc Túc.
Đúng như tác giả đã viết trong một đoạn văn: “… mặc mọi sự li hợp thăng trầm, núi vẫn cứ cao và sông vẫn cứ sâu, để người Nghệ, người Tĩnh ai cũng có một phần sông, một phần núi, để ai đi xa ngó lên dáng núi là biết để nhớ về”, đọc Ngó lên dáng núi để tìm về kỉ niệm ở một miền quê và mọi miền quê vì có lẽ ai cũng có thể bắt găp những cảm xúc của chính mình trong đó…
Nhà xuất bản đại học Vinh trân trọng giới thiệu tập bút kí Ngó lên dáng núi của Trần Đắc Túc tới bạn đọc.
Ban biên tập.