NXBĐHV: Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn sách mới ấn hành của tác giả TS. Nguyễn Duy Bình, PGĐ Nhà xuất bản Đại học Vinh: Lưng chừng Babel. Chúng tôi cũng trân trọng giới thiệu bài viết của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về cuốn sách này.
NGƯỜI Ở LƯNG CHỪNG
Tháp Babel là gì? Theo Kinh Thánh, đó là một ngọn tháp do những người thuộc thế hệ đến sau nạn Đại Hồng thủy dựng nên. Sách Sáng Thế ký viết: “Sau đó họ nói, ‘Đến đây, chúng ta xây dựng một thành phố của riêng chúng ta, và một ngọn tháp với đỉnh của nó chạm tới thiên đường, và chúng ta hãy đặt tên cho chính chúng ta; nếu không, chúng ta sẽ phân tán khắp nơi trên mặt đất. Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên. Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia. Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất. ”Như vậy Babel nghĩa là sự khác biệt ngôn ngữ, sự bất đồng tiếng nói, khiến cho người không hiểu người. Từ khi loài người bị Đức Chúa khiến cho tản ra khắp trên mặt đất thành các chủng tộc khác nhau, các nòi giống khác nhau, cái ngăn cách họ thống nhất lại với nhau là tiếng nói, ngôn ngữ. Một thứ tiếng chung cho tất cả giống người đã bị Chúa Trời tước đoạt. Tháp Babel vĩnh viễn không thành để con người bơ vơ đối diện với hư vô. Tháp Babel mãi mãi dở dang nghĩa là không bao giờ có sự hoàn hảo, hoàn mỹ. Những người xây tháp phút chốc hóa thành Kẻ Khác trong mắt nhau, mất đi sợi dây liên kết và thấu hiểu. Từ đó loài người và con người bị lâm trạng thái lưng chừng, đứt đoạn. Lưng chừng Babel, như vậy, còn là hai lần lưng chừng: của người làm tháp và người lên tháp.
Những người làm việc dịch thuật là những người lên tháp với ý thức và sứ mệnh muốn tiếp tục công việc của những người làm tháp. Họ biết công việc của mình là bất khả khi không thể tìm lại thứ tiếng chung của loài người mà Chúa Trời đã làm mất. Họ biết không bao giờ có thể hiểu thấu được Kẻ Khác ở bên kia rào chắn ngôn ngữ. Họ biết tự bản thân dịch đã là sai khác, khác biệt, không thể nào có sự đồng nhất tuyệt đối giữa nguồn và đích. Nhưng hành động dịch là của con người trong nỗ lực tuyệt vọng cố kết cả loài người khi đã bị Chúa Trời bỏ rơi, làm chia lìa. Xét ở sự tích tháp Babel, dịch thuật là hành động chống lại ý Chúa: loài người dù có bị bắt tản mát khắp trên mặt đất, buộc phải nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng chính con người đã tìm cách thông dịch, thông diễn xuyên ngôn ngữ để tiếp tục hiểu nhau và tìm về một thể thống nhất ở cõi thế. Lưng chừng Babel, đối với người dịch thuật, mà đây lại là dịch thuật văn chương, đó là vị thế giữa Ngã và Tha Nhân, giữa trong và ngoài, giữa tiệm cận và bất cận.
Cuốn sách này của Nguyễn Duy Bình, một tiến sĩ được đào tạo ở Pháp về văn học so sánh, một nhà dịch thuật và nghiên cứu văn học Pháp ở Việt Nam, đã khiến tôi có những ý nghĩ trên khi ngẫm lại sự tích tháp Babel từ cái tên sách của tác giả. Nền dịch thuật văn chương hiện đại ở nước ta chỉ mới trên một thế kỷ hình thành. Đội ngũ, quan niệm, lý thuyết, thực hành, thành công và thất bại, tất cả đều đang chờ được tổng kết, đánh giá, và mọi việc vẫn đang diễn ra. Ở đây đang cần những người giỏi chuyên môn và tâm huyết với nghề. Nguyễn Duy Bình học tiếng Pháp từ nhỏ và học liên tục cho đến khi lấy bằng tiến sĩ ở Pháp, ở cấp học nào anh cũng đều đạt kết quả xuất sắc với thứ tiếng mình học. Anh giỏi ngoại ngữ, đã đành, nhưng anh còn có tư duy khoa học, điều này giúp anh không chỉ lấy thông tin kiến thức từ ngoài về mà còn biết hệ thống chúng thành tri thức và thao tác tri thức ấy thành các kết quả nghiên cứu khoa học văn chương. Lấy thí dụ như khi anh bàn về mối quan hệ văn học Việt - Pháp. Tiếng Pháp và văn chương Pháp vào Việt Nam trong một hoàn cảnh lịch sử cưỡng bức. Nhưng bất chấp sự trớ trêu của lịch sử, một cuộc tiếp biến (acculturation) văn hóa đã thực sự diễn ra, và trong quá trình tiếp xúc tiếp biến đó, văn học Pháp đã có tác động quyết định đến sự hình thành nền văn học hiện đại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Điều này đã được chứng thực trong một số công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử văn học Việt Nam hiện đại của những tác giả đi trước. Đến Nguyễn Duy Bình anh cũng dành cho sự tiếp biến văn học này sự quan tâm lớn, như có thể đọc thấy ở các bài viết được tập hợp trong phần một của cuốn sách. Ở những bài viết về mảng đề tài này, Nguyễn Duy Bình đã đưa lại cho người đọc một cái nhìn có tính hệ thống và tính lý thuyết về sự tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam trên những bình diện khác nhau. Mở rộng ra, trong phần một anh còn bàn đến các vấn đề của dịch văn học và lý thuyết văn học mà nhờ lĩnh hội một cách thông suốt, chắc chắn từ tiếng Pháp anh đã trình bày, kiến giải rõ ràng, thấu đáo. Phần hai cuốn sách Nguyễn Duy Bình cung cấp một số bản dịch do anh thực hiện vừa như để bổ sung cứ liệu cho những lập luận ở phần một, vừa để cung cấp cho độc giả thêm những tư liệu đọc và suy ngẫm. Phần ba là những bài phỏng vấn ở nước ngoài do anh dịch và những bài anh trả lời phỏng vấn báo chí trong nước. Cuốn sách với ba phần như vậy là sự “trình làng” ấn phẩm đầu tiên của anh sau gần hai mươi năm giảng dạy và nghiên cứu. Đây là một kết quả đáng ghi nhận và khích lệ.
Trở lại tên gọi cuốn sách này. Lưng chừng Babel. Vẫn theo Kinh Thánh, tên gọi ngôi tháp được lấy theo động từ balat trong tiếng Do Thái nghĩa là “lẫn lộn, xáo trộn”, nhưng theo cách gọi của những người xây dựng tháp thì nó là Bab-ili nghĩa là “cổng Trời”. Hiểu Babel cách này thì những người dịch thuật biết mình ở lưng chừng- lưng chừng tháp trong phận số con người và lưng chừng giữa các nền văn hóa trong phận số nghề nghiệp, nhưng họ vẫn luôn có sự hướng đích tuyệt đối lên Trời. Không có ý hướng đó họ rất dễ nản chí và bỏ cuộc, xuống tháp. Nguyễn Duy Bình thấy “Tháp Babel như thu mình nhỏ lại và biến thành tháp ngà cho tôi núp bóng ở trong”. Vậy là anh kiên trì với sự lựa chọn của mình, ở lại tháp, nhưng tôi không thích anh coi đó là tháp ngà để núp bóng. Tôi cũng không thích anh coi mình là “con ngựa thồ ốm yếu” (người dịch thường được ví là con ngựa thồ văn chương qua các biên giới quốc gia). Tôi thích anh nói đến “cuồng vọng văn chương” trong mình.
Người ở tháp Babel, dù là lưng chừng, phải có cuồng vọng đó mới trụ được, Bình ạ.
Hà Nội, cuối năm 2014
PHẠM XUÂN NGUYÊN