Xã Quỳnh Đôi, gọi tắt là làng Quỳnh, thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, không biết từ thuở nào và từ đâu, “tiếng lành” đã “đồn xa” và đi vào truyền khẩu: Bắc Hà: Hành Thiện; Hoan Diễn: Quỳnh Đôi.

        Thật vậy, lịch sử của đất nước cũng có lúc thịnh, lúc suy nhưng nhìn chung sức sống của làng Quỳnh không ngừng vươn lên để tạo dựng nên một diện mạo văn hóa mang đậm sắc thái riêng của địa phương mình. Sắc thái ấy được hun đúc dài lâu kéo dài hơn 600 năm trải qua một quá trình: sinh, tụ, giáo, hối từ thuở bình minh dựng xây trang ấp cho đến ngày nay trở thành một xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (đầu năm 1996) và một làng văn hóa (tháng 2/ 1998).

Sắc thái ấy, theo chúng tôi, được thể hiện rõ nét nhất ở hai truyền thống sau đây:

              “Thứ nhất là về học hành khoa cử

              “Đói nghèo xơ xác

              Làng Quỳnh Đôi xưa

              Nhà ngói ít hơn đền chùa

              Người nhiều hơn ruộng đất.

                                                     (Hoàng Trung Thông)

Hoàn cảnh đó buộc con người phải lo toan việc ăn ở trước khi nghĩ đến việc học hành thi cử. Nhưng chỉ làm ruộng là không đủ sống do đó phải mở ra một nghề khá đặc biệt, nghề đi học để rồi “Tiến vi quan, thoái vi sư”.

Từ đầu được thầy Dương Văn Khai dạy dỗ, trong làng có người đi học, thi đỗ rồi đi làm quan hoặc đi làm thầy, đời sống có phần dễ chịu hơn, mát mặt hơn. Có học thì có hiểu biết, càng hiểu biết càng ham học. Người khá giả cho con đi học đã đành, người nghèo khổ cũng chịu thương, chịu khó chắt chiu nuôi con, nuôi chồng ăn học. Việc học trở thành một phong trào đua tranh của mọi nhà, một truyền thống khổ học của cả làng. Số người làm quan ít hơn số người thi đỗ (đỗ cử nhân mới được ra làm quan), càng ít hơn người đi học. Người học khá mà thi không đỗ hoặc thi đỗ mà không ra làm quan thì đi dạy học. Do đó hình thành một lớp người gọi là “Thầy đồ”. Thầy đồ làng Quỳnh, thường cha dắt con, anh dắt em… đi dạy đi học khắp ngoài Bắc trong Nam, biền biệt xa nhà, đầu tháng giêng đi, cuối tháng chạp về. Các thầy đồ là điểm sáng hội tụ văn hóa, là tấm gương đạo lý, nâng đỡ, khuyến khích tinh thần cho những người dân quê chất phác mà thất học.

 Làng Quỳnh tính từ năm 1449, năm có người bắt đầu thi đỗ, đến năm 1919, năm kết thúc khoa cử trải dài 470 năm đã đạt được những thành tựu sau đây:

Về thi hương, tất cả có 526 tú tài và 208 cử nhân với 963 lượt người đỗ, ở 116 khoa thi, bình quân mỗi khoa có 8,3 người đỗ, thường chiếm xấp xỉ 10% số người thi đỗ của cả Nghệ Tĩnh, trong đó có 13 người đỗ giải nguyên (đầu cử nhân).

Về thi hội, có 4 phó bảng: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai; có 6 tiến sĩ: Hồ Sĩ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sĩ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Thúc Hạp; 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống; một thám hoa: Dương Cát Phủ và một bảng nhãn: Hồ Sĩ Dương chiếm hơn 10% của cả Tỉnh.

Từ năm 1919, năm kết thúc thi cử thời xưa cho đến năm 1945, trong cảnh nước mất nhà tan của 26 năm ấy, người làng Quỳnh vẫn cứ phải theo con đường đi học để rồi không phải là “tiến vi quan” mà là “vi sư”… Vì thế số người đi học quốc ngữ ở các trường tư trong làng, ở trường công lập của làng, của huyện vẫn đông nhất so với các làng trong huyện. Nhưng càng học lên cao càng ít, thời Pháp thuộc làng Quỳnh chỉ có được 2 cử nhân luật, 1 kỹ sư canh nông và 1 cao đẳng về hội họa.

Từ sau cách mạng tháng 8/1945, trong 2 cuộc kháng chiến, việc học hành thường bị đứt đoạn.

Từ năm 1975 lại nay, sự nghiệp học hành thi cử có những bước thăng trầm nhưng nhìn chung vẫn theo chiều hướng tiến lên. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng hơn 700 người tốt nghiệp đại học, 51 thạc sĩ, 56 tiến sĩ, 16 phó giáo sư, 4 giáo sư và 2 viện sĩ quốc tế.

Thứ hai, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm.

Đứng về thời gian, người làng Quỳnh tham gia đấu tranh yêu nước từ buổi khai cơ cho đến nay, liên tục không bao giờ đứt quãng với một sự lan tỏa nhanh chóng.

Đứng về không gian, người làng Quỳnh tham gia đấu tranh yêu nước không chỉ ở quê nhà mà ở nhiều miền của đất nước bởi lẽ xấp xỉ một nữa dân số của làng là đi dạy học, làm quan, và làm các ngành nghề khác; không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài: Xiêm, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, không chỉ ở một cấp mà nhiều thời điểm ở đủ các cấp: làng, tổng, huyện, tỉnh, trung ương, không chỉ trên một lĩnh vực đấu tranh vũ trang mà trên nhiều lĩnh vực khác: chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, v.v..

Sở dĩ có đặc điểm ấy là do người làng Quỳnh đa số là bần hàn nhưng lại có học thức. “Bần hàn” nên mới “sục sôi nhiệt huyết” muốn thay đổi cuộc đời, có học thức nên đã tiếp thu lẽ phải. Như thế lòng yêu nước không phải chỉ qua trái tim mà còn qua khối óc nên trở thành chủ nghĩa ái quốc rộng rãi và sâu sắc.

Nguyên nhân này nói lên cái tất yếu của truyền thống nhưng “cái tất yếu của lịch sử đều thông qua một cái ngẫu nhiên.” (Ăng ghen). Cái ngẫu nhiên ở đây là: Hồ Hồng, người khai cơ ra làng Quỳnh cũng là liệt sĩ đầu tiên của làng, từ đó mở ra một truyền thống:

              Măng non nối tiếp tre già

              Đời con nối tiếp đời cha diệt thù.

Rồi từ đó dọc theo chiều dài của đất nước, nào ngờ câu ca ấy đã vận vào vận mệnh của bao thế hệ người làng Quỳnh.

Ở đây cần ghi nhận công lao của người phụ nữ làng Quỳnh. Trong hoàn cảnh hầu như 90% nam giới ra đi chiến đấu nhất là ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người phụ nữ làng Quỳnh nơi có nhà thơ lớn Hồ Xuân Hương, ở nhà phải “đổi phận làm trai” hai vai gánh vác việc nhà, việc làng, việc nước mà hầu hết đều “giữ được tấm lòng son”. Người làng Quỳnh đã chịu bao nhiêu mất mát mà mất mát cái quý nhất là con người. Con người mất đi đau thương không đi theo họ mà ở lại với những người đang sống. Những người đang sống đây còn ai hơn là những bà mẹ, những người vợ. Trong nỗi đau mất con, mất chồng ấy họ phải chịu đựng một nỗi đau vời vợi nhất, sâu xa nhất, da diết nhất, một nỗi đau xé ruột “xé lòng”.

Hai truyền thống lớn trên đây qua năm tháng là do con người tạo nên, những con người sống và làm việc không chỉ theo giáo huấn “đức trị” mà con cả theo hương ước “pháp trị”.

Hương ước làng Quỳnh do cụ Hương cống (Cử nhân) Phan Khuê khởi biên từ năm thứ tư hiệu Dương Hòa (1636). Đây là “một bộ luật của làng còn lại có niên đại sớm nhất” (tiến sĩ Võ Duy Mền, Tạp chí lịch sử, 1982, tr. 40), có thể nói rằng, Hương ước làng Quỳnh là cái lý khẳng định sự tồi tại tất yếu của làng mình sau 258 năm lịch sử(1378 - 1636), là một thứ giao kèo dựa trên tục lệ chứ không phải dựa trên pháp luật nhưng lại không được trái với pháp luật, là một hình thức dân chủ thô sơ của một làng quê có văn hóa.

Hương ước có 187 điều thì những điều liên quan đến sản xuất nông nghiệp chiếm nhiều nhất: 34 điều (hơn 18%), thứ đến học hành khoa cử có 24 điều (13%), rồi đến việc Binh 16 điều v.v.. Số lượng các điều khoản ấy nói lên đặc trưng văn hóa của loài người mà Mác đã phát hiện: “Con người trước khi nghĩ đến triết học, văn học… thì phải lo sản xuất ra những thứ cần ra sự sống vật chất”. Các điều khoản đó cũng toát lên: Làng Quỳnh cũng là nơi phải thực hiện một quy luật sống còn của dân tộc: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.

Mặt khác làng còn có chủ trương khuyến khích và hỗ trợ vật chất cụ thể bằng học điền và binh điền. Riêng về binh điền, từ năm 1677, cụ Bảng nhãn, Tham tụng (như tể tướng) Hồ Sĩ Dương đã cung tiến 24 mẫu ruộng ở Đập gãy, Đập giữa, Phần xôi để làm binh điền nhằm cấp ruộng đất hoặc thóc gạo cho những gia đình có người tòng quân giữ nước.

Làng Quỳnh tính từ buổi khai cơ cho đến ngày nay đã trải qua hơn 600 năm tồn tại và phát triển.

Hơn 600 năm ấy là một bản trường ca hùng tráng về tâm hồn và khí phách của bao thế hệ người làng Quỳnh để biến những gò hoang cỏ dại Thổ Đôi ngày xưa trở thành một xã anh hùng, một làng văn hóa ngày nay.

Nhằm ghi lại thành tựu đã qua và cũng là để giáo dục truyền thống cho những người đi tiếp, về lĩnh vực học hành khoa cử, trước kia cụ giải nguyên Hồ Sĩ Tôn đã biên soạn cuốn Quỳnh Đôi khoa danh trường biên vào năm 1725, rồi các cụ Hồ Phi Hội, Hồ Trọng Chuyên, Hồ Đức Lĩnh kế tục biên soạn một cuốn Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên. Tiếp bước cha ông dựa vào hai tác phẩm trên, tôi (PHT) đã biên soạn một cuốn Quỳnh Đôi xưa, học hành & khoa cử, rồi đến đầu năm 2011 mới xuất bản được chính thức. Nhưng về lĩnh vực đấu tranh yêu nước chống ngoại xâm, thì gần như còn bỏ ngỏ, chưa có một tác phẩm nào hội tụ tương đối đầy đủ và có hệ thống như các cuốn sách về học hành khoa cử nói trên trừ hai bài đăng ở báo Nghệ Tĩnh 10/5/1973 và tạp chí lịch sử số 5/1976. Phải chăng đây là sự thể hiện phần nào ý thức: trọng văn hơn trọng võ?

Vì thế, vào đầu năm 1996, sự kiện xã Quỳnh Đôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” đã nhắc nhở hai chúng tôi (Phan Hữu Thịnh và Nguyễn Như Huơn) nhớ lại một bề dày lịch sử với những gương chiến đấu anh dũng của người làng Quỳnh trong công cuộc bảo vệ và giải phóng đất nước kéo dài ngót sáu thế kỷ (1378 - 1975) vừa qua.

Với sự khích lệ của cố đại tá, chủ tịch cựu chiến binh huyện Quỳnh Lưu Phan Nguyên Chất, hai chúng tôi tuy biết mình bị hạn chế về nhiều mặt, nhưng với tấm lòng thành nên trong ba năm (1997 - 1999) đã sưu tầm tư liệu và biên soạn xong bản phác thảo với nhan đề: Người Quỳnh Đôi chiến đấu cứu nước. Sang đầu năm 2000, chúng tôi đã gửi đi các nơi để xin ý kiến đóng góp, mãi đến năm 2004 mới in ấn còn theo kiểu “gia công, lưu hành nội bộ”.

 Chín năm có lẻ đã trôi qua, năm nay chúng tôi mới có điều kiện xin xuất bản chính thức tác phẩm này (có bổ sung sửa chữa ít nhiều). Tuy rằng cuốn sách vẫn còn khiếm khuyết nhưng hai chúng tôi tuổi đã cao, sợ “tử bất kỳ” nên không thể nấn ná thêm được nữa. Mong bạn đọc trong làng ngoài xã thể tất cho.

Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cảm ơn các ông bà: Hồ Sĩ Bằng, Hoàng Nguyên Ninh, Hồ Sĩ Lý, Phan Hữu Phương, Nguyễn Lương Yên, Hồ Sĩ Tá, Nguyễn Hồng Nam... đã nhiệt tình đóng góp ý kiến và công sức để cuốn sách này được ra đời.

Mùa xuân năm Quý Tỵ (2013)

PHAN HỮU THỊNH

Nguyên chuyên viên cao cấp về lịch sử

Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng

NGUYỄN NHƯ HUƠN

Nguyên Phó vụ trưởng

Ban Đối ngoại TW Đảng