“Tuổi trẻ hướng về phía trước, tuổi già ngoái lại phía sau”. Huy Phương đã viết vậy, trong Thư trả lời em Toàn ngày 11/ 9/ 2013. Qua cái mệnh đề thực ra là một triết lí ấy, tác giả cũng bộc lộ mình, bộc lộ một chút cảm khái của người đàn ông đã trải qua không ít sóng gió, không ít được mất, không ít buồn vui - cái được mất, buồn vui của một người ít nhiều có cái bướng, cái gàn (thể hiện qua nhiều trang viết). Mệnh đề ấy, như là một cơn cớ để ông vịn vào mà tái hiện những mảnh ký ức. Có vẻ như là một lí do riêng tư, đành rằng, trở về với quá khứ dường như đang trở thành một xu thế khá sôi nổi, được khởi nguồn từ sau 1975, khi con người bắt đầu có nhu cầu nhìn lại những gì đã qua, có nhu cầu tái hiện lịch sử trong nỗi niềm của những cá nhân.
Có nhiều câu chuyện được kể: chuyện cá nhân, chuyện tập thể, chuyện gia đình, chuyện xã hội, chuyện thầy, chuyện trò, chuyện đi dạy, chuyện nhập ngũ, chuyện ăn thịt chó, chuyện chơi tổ tôm... Mỗi câu chuyện là một câu chuyện, dĩ nhiên, nhưng lại là một nỗi niềm: nỗi buồn thương cá nhân, một trăn trở nào đó về xã hội. Có chuyện được kể rất thật, có chuyện lại như bịa, có chuyện tình tứ, da diết, lại có chuyện mang chút phiêu lưu, mang chút hình sự, trinh thám... Vậy là, một thế giới rất thường, một cuộc đời bình thường bỗng trở nên bất thường và vô thường.
Có nhiều nhân vật được nhắc đến: một bà nông dân, một anh bộ đội, một giáo chức, một công an, những cô cậu học sinh, sinh viên, rồi cả dân quân tự vệ, những đại diện cho chính quyền làng xã... Mỗi kiểu nhân vật được miêu tả, trong cái nhìn nghiêm khắc, thảng hoặc có đôi chút hài hước, đôi chút khinh miệt, với rất nhiều sự tin yêu, kính trọng, nhưng đều thể hiện được cốt cách, bản chất... Và, qua những nhân vật ấy, ta thêm một lần nhận thức về những chuyển động của lịch sử, sự tàn phai, sự hình thành, đắp đổi của các giá trị. Đôi khi, nhân vật như chỉ là cái cớ để tác giả tái hiện, phát biểu những suy tư của mình về một thời nào đó thật hào hùng nhưng cũng có lúc nhếch nhác, một thời nào đó thật vui nhưng cũng có lúc thật buồn... Rồi những vẻ đẹp, rồi những điều xấu xa, rồi cao cả, rồi thấp hèn... Đôi khi, những mặt đối lập cứ đan bện vào nhau trong một con người hoặc một chuyện kể: nỗi bi hài của tinh thần cảnh giác, sự chông chênh về tri thức trong vẻ chắc chắn của lập trường v.v.. Không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những câu chuyện được kể, nhưng nhìn chung, dễ tin, và nếu đọc với tấm lòng chân thành, ta dễ xúc động về chúng. Những nhân vật ấy, ta gặp đâu đó trong sáng tác của Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Quang Lập, Hoàng Minh Tường, Đỗ Minh Tuấn, Ma Văn Kháng..., nhưng được thể hiện bằng tư duy và ngôn ngữ của chính ông.
Dường như, khi tái hiện “những mảnh ký ức” này, tác giả đã cố gắng tiết chế cảm xúc đến mức tối đa, nên, ngoài một số chỗ có vẻ trữ tình, một số chỗ có vẻ trào lộng hay buồn giận, giọng điệu của tập sách cơ bản là một giọng trung tính, vì thế tạo được vẻ khách quan nhất định, nhiều chuyện, nhiều việc được kể một cách hết sức tự nhiên. Có lẽ đây cũng là nơi thể hiện phần nào bản lĩnh ngòi bút của tác giả. Rất nhiều mẩu kể có kết thúc tương đối nhẹ nhàng, giàu sức gợi, vẫy gọi những suy tư, những tưởng tượng của người đọc sau khi kết thúc - hiện tượng mà lí luận văn học hiện đại thường gọi là kết thúc mở. Cũng có thể gặp những đoạn tác giả tỏ ra có ý thức tranh biện với một ai đó, và cũng có những điều ai đó có thể tranh biện được với tác giả. Đấy là lẽ đời, là lí lẽ của sự nhận thức, của sự tiếp nhận, nhưng cũng thể hiện một phần năng lực của người viết. Đôi khi ngòi bút tác gải biết tạo một ấn tượng bất ngờ, kiểu đưa ra một lí giải là lạ: “Ra đường võng giá nghênh ngang/ Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày“ là “người xưa đã dạy ở nhà có thể ăn cám, nhưng ra đường vẫn phải đàng hoàng cơ mà.” (Đến từ Nghệ An).
Là một giáo viên dạy văn, lại có điều kiện đi lại, học cách quan sát nhiều, nên sự quan sát, miêu tả của Huy Phương nhiều chỗ khá tinh tế, giàu chất “chuyên nghiệp”, nhất là khi kể về người đẹp, tả một không gian trữ tình, gợi tình, hoặc là kẻ mà ông không ưa - đấy là cảm giác của riêng tôi. Ví như ông viết về tay công an tên là Cần - kẻ xét hỏi thầy Đinh Chí (Thầy Đinh Chí), hay chi tiết “gió hiu hiu chỉ đủ để lay sợi khói thuốc lá” trong Cô gái Huế: nó đủ sức để gợi một nét êm đềm, nhã nhặn rất Huế, lại đặc tả được tình cảm của người trong cuộc...
Nhìn chung, tập sách, của một người chuyên dạy văn, nhưng dù gì cũng không chuyên viết văn, mà lại có sức hấp dẫn nhất định, có duyên, nó nói với chúng ta nhiều điều, đem đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Đành rằng, nhiều khi tác giả cũng hơi tham lam, hoặc ôm đồm khi kể, tả. Thậm chí, tinh thần “muốn ôm tất cả” còn thể hiện ở việc đưa vào tập sách những trang nhật ký kể những câu chuyện gia đình, mà theo người viết những lời này, là lượng thông tin và sức lan tỏa, khả năng lây lan cảm xúc của nó sẽ không lớn, và vì thế, có thể đó lại chính là những điểm tạo sạn cho cuốn sách. Tuy nhiên, làm sao được, khi tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong chúng ta. Điều quan trọng nhất là ông đã gửi đến bạn đọc những điều mà ông trân trọng: “đó là những hạt phù sa lắng lại trong ký ức, trong tâm hồn mà lớp bụi thời gian không làm mờ được... Nó là bản tổng kết về một con người, một cuộc đời.” (Chuyến bay ấy).
Vinh, giá rét, đầu xuân Giáp Ngọ.
Lê Thanh Nga