Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn, những kết quả đã đạt được, cả những khó khăn và hạn chế của chương trình này ở Việt Nam, nhóm tác giả PGS.TS. Thái Thị Kim Oanh (chủ biên), PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Phượng, TS. Lê Thị Sao Mai đã biên soạn cuốn sách Phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

 

 

Bố cục của cuốn sách gồm có 3 chương:

Chương 1. Một số vấn đề lý luận về chương trình OCOP và chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chương 2. Thực trạng phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam

Chương 3. Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam

Ở mỗi chương, các nội dung cụ thể được khảo sát, nghiên cứu và trình bày một cách hệ thống, khoa học, giúp người đọc có thể hình dung rõ hơn về các vấn đề được đề cập. Đọc cuốn sách, bạn đọc có thể hình dung một cách toàn diện về chương trình OCOP, một chương trình được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Tuy nhiên, trọng tâm của cuốn sách là từ chỗ nghiên cứu những vấn đề lý luận về chương trình OCOP và chuyển đổi số trong nông nghiệp đến việc khảo sát thực trạng phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam, nhóm tác giả đã đề xuất được một nhóm giải pháp nhằm phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh vấn đề mang tính truyền thống là phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước, người đọc có dịp tiếp cận một cách hệ thống và chuyên sâu những vấn đề mang tính cập nhật về chương trình OCOP, về chương trình chuyển đổi số, là xu hướng của thời đại, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia.

Mặc dù, nôi dung được đề cập trong cuốn sách là những vấn đề khá mới mẻ, nhưng nhóm tác giả đã ban đầu xác định được các nhân tố ảnh hưởng, có những đánh giá chung cũng như rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện chương trình OCOP gắn với chuyển đổi số ở Việt Nam. Những kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới cũng được nhóm tác giả khảo sát kỹ, là những bài học quý báu cho những người làm kinh tế nông nghiệp cũng như nghiên cứu lĩnh vực này. Trọng tâm của cuốn sách vẫn là những giải pháp được đề xuất nhằm phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở nước ta. Tại đây, tám giải pháp đã được nhóm tác giả đề xuất, trong đó có những giải pháp mang tính chiến lược và cả những giải pháp cụ thể như: cơ chế chính sách; huy động nguồn lực; tuyên truyền nâng cao nhận thức; khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hoàn thiện hệ thống tiêu chí, quy trình đánh giá sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số; xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP gắn với chuyển đổi số; xây dựng hệ thống tư vấn, cán bộ…

Trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của quốc gia và địa phương. Trong bối cảnh ấy, cuốn sách Phát triển sản phẩm Ocop gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên, học viên ngành kinh tế và những người quan tâm lĩnh vực này. Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Tin bài: NXB ĐHV