Giáo trình Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam được biên soạn phục vụ giảng dạy học phần “Địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam” trong chương trình đào tạo đại học ngành Sư phạm Địa lí, gồm 5 tín chỉ, theo chương trình đào tạo tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) của Trường Đại học Vinh.

Nội dung giáo trình nhằm cung cấp cho người học những kiến thức về địa lí dân cư, về nguồn lực, thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam; về tình hình phát triển và phân bố các ngành kinh tế chính ở Việt Nam; về những thế mạnh và khai thác thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế ở nước ta; về tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế biển của Việt Nam...

Với 454 trang nội dung, giáo trình được trình bày thành 5 chương, mỗi chương được cấu trúcgồm các phần: mục tiêu, nội dung, tóm tắt, câu hỏi ôn tập và tài liệu đọc thêm. Cuốn giáo trình đã cập nhật và bám sát việc đổi mới chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực, từ đó giúp người học có khả năng vận dụng vào giảng dạy môn Địa lý, cũng như để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Điểm mới so với các giáo trình khác cùng lĩnh vực là Giáo trình Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam đã dành hẳn một chương để phân tích về các nguồn lực cho phát triển kinh tế và khái quát những thành tựu của kinh tế Việt Nam từ khi đổi mới đến nay. Đồng thời, giáo trình cũng đã cập nhật được những vấn đề mới, nhất là việc tập trung làm rõ tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế biển của Việt Nam để nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế biển, cũng như để đáp ứng Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2023.

Nhà xuất bản Đại học Vinh xin trân trọng giới thiệu!

Tin bài: NXB ĐHV