Làng, trong quan niệm của người Việt Nam từ xưa đến nay, có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là một đơn vị có kết cấu đa dạng mà vẫn chặt chẽ và vững chắc. Qua thời gian, chịu tác động của bao cuộc “thương hải, tang điền”, làng Việt, nhất là làng cổ, đã có những biến đổi lớn. Công trình của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh có tên Làng Tường Xá, đi theo mạch địa chí văn hóa, vốn là sở trường của Thái Kim Đỉnh. Những khảo cứu được đưa ra có ý nghĩa khoa học nhằm bảo tồn, lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp của một trong những làng cổ nổi tiếng nhất của tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời, đó cũng là tiếng nói tri ân của một người con được được nuôi dưỡng, trưởng thành từ chính làng Tường Xá.
Kết cấu của cuốn sách được triển khai dựa trên việc khảo cứu các thành tố văn hóa, cụ thể là: lịch sử (Tường Xá “làng có công với nước”, Từ trại nuôi dê - Dương Xá đến nhà học - Tường Xá), dân cư (Sự gia tăng và biến động cư dân và các dòng họ trong làng;Nghề nghiệp làm ăn của dân làng; Tổ chức hành chính và các vấn đề đẳng cấp - ruộng đất - thuế khóa - binh dịch), giáo dục - khoa bảng (Việc học hành - các nhà khoa bảng - văn thần, và chức sắc trong làng), tín ngưỡng, lễ hội (Việc thờ phụng tổ tiên, thần, phật; Ngày tế - ngày lễ hàng năm), phong tục, tập quán (Ăn uống - phục trang - nhà ở; Sinh hoạt văn hóa của dân làng; Một số tập tục khác)… Sự công phu của tác giả Thái Kim Đỉnh còn được thể hiện ở phần Phụ lục dày dặn, chứng tỏ quá trình điền dã cẩn trọng, miệt mài, nghiêm túc. Phần này gồm có một số tư liệu và hình ảnh, chuyện người làng và một ít tác phẩm văn chương.
Ngay từ Lời đầu sách, Thái Kim Đỉnh đã có những giới thiệu có tính chất gọi mời về làng Tường Xá 700 tuổi:
“Cái làng nhỏ bình dị này từ bao đời nay đã có tiếng cảnh đẹp người vui với ruộng lúa, bãi ngô xanh tươi, với bến nước, cây đa, mái đình cổ kính.
Đã có những thời Tường Xá làm ăn thịnh vượng, công, nông, công thương phát đạt, bốn mùa nhộn nhịp trong đồng ngoài bãi trên bến dưới thuyền.
Đã có thời Tường Xá là làng học, làng khoa bảng, làng quan. Với khoảng năm bảy chục nóc nhà và ngót vài trăm nhân khẩu, trong làng đã có hai vị Tiến sĩ, năm vị Hương cống và nhiều Sinh đồ, tú tài, nhất, nhị, tam tràng…
Tường Xá lại là làng yêu nước, làng cách mạng…”.
Và còn một điều đặc biệt nữa về làng Tường Xá. Chúng ta không thể thực hiện chuyến tham quan làng Tường Xá như ta có thể làm với các làng nổi tiếng khác trên đất nước Việt Nam như làng Đường Lâm, làng Nôm, làng Cựu…, bởi “hai con sông Lam, La đưa phù sa bồi đắp nên làng nhỏ này, thì cũng gặm nhấm dần, lấy đi của nó đến hòn đất, hạt cát cuối cùng”. Những lần lấp dòng, chuyển dòng, xói lở đất đã khiến cho gần như toàn bộ đất đai của Tường Xá chìm sâu dưới đáy sông, dân cư thì tản mát khắp nước. May mắn còn một rẻo đất hẹp, một nhóm dân cư, một ngôi đền Thành hoàng và ký ức của những người dân hiện nay về làng Tường Xá. Thái Kim Đỉnh đã phục dựng lịch sử cũng như các giá trị văn hóa tốt đẹp của làng Tường Xá. Ông đã đem đến cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh về làng Tường Xá chỉ qua một cuốn sách nhỏ. Đó là một hành trình tìm về cội nguồn có ý nghĩa to lớn, nhất là trong bối cảnh hôm nay.
Làng Tường Xá là một minh chứng cho thấy những biến chuyển của tự nhiên, của lịch sử, của văn hóa. Một loạt vấn đề có thể được đặt ra ở đây, như mối quan hệ giữa giá trị nhất thời và giá trị vĩnh cửu, văn hóa và thời gian, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa… Như vậy, từ một cuốn sách, người đọc có thể tìm thấy được những ý nghĩa có tính phổ quát.
Làng Tường Xá là một cuốn sách đáng đọc. Giá trị của cuốn sách vượt ra ngoài không gian một làng quê cụ thể, trở thành tiếng nói biểu trưng cho văn hóa làng xã Việt Nam. Nó không chỉ là những khảo cứu, mà còn là ký ức, gợi nhắc lại những tháng ngày hào hùng và tươi đẹp ở Tường Xá.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Hiếu