Bạn đọc đã từng biết đến Huy Phương qua một số tập thơ và tập tạp văn Những mảnh kí ức do Nhà xuất bản Đại học Vinh ấn hành năm 2014. Tiếp nối mạch cảm hứng ấy, năm 2015, ông tiếp tục cho ra đời tập sách với tên gọi Viết cho em, ngày ấy – bây giờ. Cấu trúc cuốn sách chia làm hai phần: Phần I là chùm truyện kí gồm 4 truyện và phần II  là 150 bài thơ với nhiều thể loại, đa dạng về chủ đề, bút pháp.

Đúng như tên gọi của cuốn sách, quá khứ và hiện tại là hai mạch nguồn chính để Huy Phương vin vào mà bộc lộ cảm xúc và thủ thỉ ôn lại những câu chuyện về cuộc đời mình. Ở đó,  người viết đã có một cuộc hành trình ngược trở về với quá khứ. Và người đọc dễ dàng nhận ra trong những trang viết của Huy Phương đầy ắp những cuộc trở về. Đó là những cuộc trở về với những vùng đất, những địa chỉ cụ thể: một miền quê Anh Sơn của tuổi ấu thơ (Cô bé lớp Năm, truyện ký); một xứ Huế thơ mộng (Cô gái Huế, truyện ký), một miền sơn cước Hương Sơn (Hương Sơn, một vùng quê để nhớ, truyện ký), một Hà Nội (Hà Nội trong tôi, thơ), một Xuân Thành (Khi tôi trở lại, thơ), một Đà Lạt (Bên hồ Than Thở, thơ)...  Sự trở về ấy ngập tràn trong những kỉ niệm nhưng không ít lần khiến chủ thể phải loay hoay với những kiếm tìm ngơ ngác: Em ở đâu/ Anh cũng không biết nữa/ Trong bão bùng biết tăm cá nơi đâu (Có một thời); Bao giờ gặp lại người dưng ấy/ Thỏa nỗi mong đêm với nhớ ngày (Bao giờ gặp lại); Đâu chuyến đò xưa trên bến đợi/ Duyên tình cách trở vẫn còn mong (Đâu chuyến đò xưa)… Và trong hành trình trở lại ấy, những cuộc gặp gỡ đã dần dần hiện hữu: một mối tình chưa kịp ngỏ lời thì vội chia xa, một mối tình trong mơ, một mối tình thoảng chốc và có những cuộc tình nặng sâu, đầy ám ảnh... Có thể nói nếu đem cân đo “ngày ấy” và “bây giờ” trong tập sách này của Huy Phương thì không khó để nói rằng, quá khứ ở đây trĩu nặng. Tất nhiên, đó là quá khứ luôn nối liền với hiện tại bằng những nhịp cầu mỏng manh mà bền chặt,  tưởng như vô hình nhưng luôn hiện hữu bất cứ lúc nào trong kí ức của người viết, để rồi có lúc Huy Phương thảng thốt nhận ra: Sóng vẫn xôn xao từng ngọn sóng/ Bạc đầu chưa hết nợ màu xanh! (Khi tôi trở lại). Nói như vậy, hiện tại ở đây cũng chính là một phần của quá khứ. Tất nhiên, Huy Phương cũng đề cập nhiều đến chuyện “bây giờ” với những ngọt lành của hạnh phúc đời thường đang hiện hữu mà ông viết với một thái độ cũng vô cùng nâng niu, trân trọng: một người vợ đảm, những đứa con đang trưởng thành, đứa cháu bé nhỏ và cả những chuyện của anh, chị, em, họ hàng làng mạc đầy ân nghĩa… Và đôi khi, những suy tư trước thế sự, trước cuộc đời cũng được người viết bộc lộ khá sâu sắc trong tập sách này.

Xét riêng về lĩnh vực văn xuôi, đây cũng là phần chiếm dung lượng nhiều hơn cả trong tập sách này, với bốn câu chuyện gắn liền với cuộc đời người viết. Việc tác giả tìm đến thể loại truyện kí là một sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp. Đó là thể loại thiên về việc trần thuật, tự sự nhưng nó có thể dung nạp được trong đó nhiều thể loại khác và cũng không hạn chế yếu tố trữ tình. Tác giả vì thế cũng rất thoải mái trong việc hồi tưởng, kể lại những câu chuyện đời mình, bộc lộ cảm xúc và suy tư khi đã có một độ lùi nhất định về thời gian. Những kỉ niệm vốn dồn nén, tích tụ, thậm chí lâu nay nằm im dưới lớp bụi thời gian nay sống dậy, lan tỏa và không thiếu những đoạn tác giả như được thăng hoa với ngòi bút của mình. Đặc biệt là những đoạn văn miêu tả không gian của tình yêu, những hò hẹn, gặp gỡ, những chia xa, ngòi bút của ông trở nên vô cùng tinh tế, giàu sức biểu cảm, có sức hút thực sự đối với người đọc.  Đặc trưng của truyện kí còn là tính tổng hợp về đối tượng mô tả. Vì vậy, người đọc có thể tìm thấy ở đó không chỉ những số phận, những cuộc đời, mà chính những số phận, những cuộc đời ấy lại đánh thức, khơi dậy được những vỉa tầng văn hóa, đời sống lịch sử - xã hội của một thời kì còn nhiều gian khổ, thiếu thốn. Ở một chừng mực nhất định, những sáng tác của Huy Phương trong mảng văn xuôi đã rất tự nhiên làm được điều này: một bữa cơm tập đoàn, một buổi sinh hoạt tập thể, một ngôi trường thời chiến, một phiên chợ quê, một đám cưới, một chuyến xe, một chuyến tầu về quê… của một thời kì còn nhiều thiếu thốn đã được tái hiện một cách tươi nguyên, sống động, có sức hút nhất định. Đó cũng là điểm thú vị của cuốn sách này.

Một tập sách với nhiều thể loại được sử dụng: phần thơ có thơ lục bát, thơ tự do, thơ Đường luật; phần truyện có truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài. Cảm hứng, giọng điệu khá đa dạng. Loại hình nhân vật cũng phong phú. Tuy nhiên, Huy Phương không quá câu nệ vào kĩ thuật viết, ông viết hồn hậu, thuần phác, có chút hài hước, dí dỏm. Tác giả đã lựa chon ngôi thứ nhất để kể lại, thể hiện cảm xúc trước những câu chuyện của “ngày ấy” và “bây giờ”. Từ điểm nhìn trần thuật ấy, người viết đã bộc lộ, phơi bày trọn vẹn con người đa cảm, đầy ưu tư, ưa hoài niệm nơi mình. Cái hay của mảng văn xuôi trong sáng tác của Huy Phương không phải nằm ở kĩ thuật viết mà ở tiếng nói tinh thần, đời sống tâm hồn của nhân vật, ở cốt lõi, bản chất của câu chuyện kể rất thật mà cũng vô cùng hấp dẫn. Dĩ nhiên, trong mỗi cảnh huống, trong mỗi quan hệ, trong mỗi câu chuyện, nhân vật “tôi” trong sáng tác của ông lại bộc lộ những góc cạnh khác biệt, đa chiều, nhưng có lẽ luôn thống nhất ở chỗ: có đôi khi còn thiếu chủ động, quyết đoán trong tình cảm nhưng luôn mê đắm, nồng nhiệt, phong tình, giàu ân nghĩa… Một loại hình nhân vật cũng cần phải nhắc đến trong tập sách này, đó là những cô gái: Vân Khánh (Cô gái lớp Năm), Thu Hương (Hương Sơn, một vùng quê để nhớ), Minh Lợi (Cô gái Huế) và đặc biệt là Thảo My (Chuyện tình của tôi)… Họ là những cá tính không thể trộn lẫn nhưng về cơ bản luôn thống nhất ở đặc điểm tính cách: dịu dàng mà mạnh mẽ, dám dấn thân, bước qua những rào cản để sống hết mình cho tình yêu và tuổi trẻ. Chính điều này đã làm cho những sáng tác vốn được viết “thuần phác”, “hồn hậu” của Huy Phương – như đã nói  ở trên,  trở nên có cá tính riêng, mang dấu ấn cá nhân rõ nét.

Viết cho em, ngày ấy – bây giờ về cơ bản là dòng hồi ức đẹp về một thời tuổi trẻ sôi nổi, lãng mạn, sống hết mình cho tình yêu. Tập sách thực sự đã lưu giữ lại được những khuôn mặt, những cảm xúc, những câu chuyện của cuộc đời người viết. Mấy ai không đi qua tuổi trẻ đầy kỉ niệm ngọt ngào, nhưng để lưu giữ lại quãng thời gian ấy bằng những trang viết sinh động, hấp dẫn không phải là việc ai cũng làm được. Huy Phương đã làm được điều đó và làm một cách đầy thuyết phục.  Vì vậy, hi vọng rằng cuốn sách không chỉ đơn thuần dừng lại ở câu chuyện của một người, chuyện của một thời mà có sức lan tỏa, giao cảm với nhiều người, với nhiều thế hệ. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Viết cho em, ngày ấy – bây giờ với bạn đọc gần xa.

                                                                                                   Cao Anh Tú