Tiếp cận vấn đề đó, tác giả Bùi Minh Hào đã kết nối với Nhà xuất bản Đại học Vinh để biên soạn và cho ra mắt cuốn sách Vốn văn hoá trong phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số.

 

 

Cuốn sách là kết quả nghiên cứu chuyên sâu và những trải nghiệm thực tế trong nhiều năm nghiên cứu thực địa ở các địa bàn khác nhau của tác giả Bùi Minh Hào. Nội dung chính của cuốn sách tập trung vào quá trình vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế trên các lĩnh vực như nông nghiệp, thủ công nghiệp, du lịch cộng đồng, kinh tế dược liệu. Đặc biệt, tác giả đi sâu phân tích các hành vi kinh tế và động thái phát triển của những con người, những cộng đồng cụ thể trong quá trình vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường.

Sách được biên soạn gồm 8 chương, trong đó:

- Tác giả dành 3 chương đầu để giới thiệu về khái niệm, phương pháp tiếp cận chủ yếu là vốn văn hóa và thực trạng vốn văn hóa vùng dân tộc thiểu số cùng với các ý kiến thảo luận về lịch sử hình thành và phát triển của kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số.

- Ở 4 chương tiếp theo là nội dung trọng tâm của cuốn sách, trình bày về bốn lĩnh vực kinh tế thị trường được người dân vận dụng vốn văn hóa vào phát triển một cách rõ nét nhất. Đó là: vốn văn hóa trong phát triển thị trường nông nghiệp; vốn văn hóa trong phát triển thị trường thủ công nghiệp; vốn văn hóa trong phát triển thị trường du lịch cộng đồng; vốn văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch và nền kinh tế - sức khỏe.

- Chương cuối cùng trình bày một số thảo luận quan trọng về vấn đề vốn văn hóa và phát triển bền vững.

Với cách trình bày nội dung theo các chủ đề gắn với các trải nghiệm điền dã và khảo cứu từ thực tiễn của chính tác giả, cuốn sách đã đem đến cho người đọc một sức hút riêng trong cách tiếp cận và phân tích về hướng nghiên cứu mới liên quan đến vốn văn hoá.

Nhà xuất bản Đại học Vinh và tác giả trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách thú vị này.

Chương 1. Giá trị của quá trình kiến tạo: khái luận về vốn văn hoá

Chương 2. Nguồn lực mới mà cũ: vốn văn hoá vùng dân tộc thiểu số

Chương 3. Một lịch sử mờ ảo: kinh tế thị trường ở miền núi

Chương 4. Truyền thống và hiện đại: vốn văn hoá trong phát triển thị trường nông nghiệp

Chương 5. Khát vọng và thách thức: vốn văn hoá trong phát triển thị trường thủ công nghiệp

Chương 6. Sự hấp dẫn của bản sắc: vốn văn hoá trong phát triển du lịch cộng đồng

Chương 7. Nền kinh tế - sức khoẻ: vốn văn hoá và thương mại hoá các tri thức y học cổ truyền

Chương 8. Đừng vào ngõ cụt: vốn văn hoá và phát triển bền vững


Tin bài: NXB ĐHV