Tác
giả Huy Phương tên thật là Phạm Viết Phương. Ông sinh năm 1944 tại làng Dương
Xuân, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tác giả nguyên là giáo viên dạy
Văn, từng công tác tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (từ năm1979 đến năm
1988), Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An (từ năm 1988 đến năm 2004) và một
số trường THPT ở Hà Tĩnh. Ông nghỉ hưu từ năm 2004. Hiện nay, ông sống tại phường
Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Lặng
lẽ, khiêm nhường nhưng đầy đam mê và luôn có ý thức về việc viết như một cách để
giãi bày, để đối thoạị với cuộc đời, với chính mình, đến nay Huy Phương đã lần
lượt xuất bản năm tập sách. Bạn đang cầm trên tay tập sách mang tên Chút quà tình nghĩa, là tập sách thứ sáu của ông. Đúng
như lời đề từ cuốn sách “Chút tình chút nghĩa mong manh. Năm mươi năm ấy… để
dành tặng nhau”, Huy Phương xem tập sách như là “chút quà” mà ông muốn dành tặng
cho những cọn người, những mảnh đất mà ông đã có duyên hạnh ngộ trong cuộc đời này.
Sách
có bố cục hai phần: Phần I tập hợp những bài viết của bạn văn về các sáng tác của
Huy Phương và lời tựa của Nhà xuất bản khi ông công bố sáng tác của mình; Phần II
là một số truyện ngắn đã xuất bản. Dĩ nhiên đây là những sáng tác mà Huy Phương
cảm thấy tâm đắc trong hành trình sáng tác văn chương, những tác phẩm đã ghi lại
những kỷ niệm với những dấu ấn khó quên trong cuộc đời ông.
Phần
I của cuốn sách có thể xem như những lời tri âm, đồng cảm của người đọc với những
sáng tác của Huy Phương. Người đọc cũng có dịp điểm lại những cuốn sách mà ông
đã từng xuất bản: Thơ mừng tuổi mẹ có tựa đề “Ngọn Đèn” (2000) (Năm 20, Hương quê (2004), Thơ Lục bát xứ Nghệ (2011), Những
mảnh kí ức (2014), Viết cho
em, ngày ấy - bây giờ (2015)… Dĩ nhiên, mỗi bài viết là một
cách đọc, một cách tiếp cận riêng, bộc bạch những tình cảm, những suy nghĩ riêng,
mang màu sắc chủ quan của từng người đọc. Tuy nhiên, điểm gặp gỡ ở các bài viết
này đều thống nhất: Sáng tác của Huy Phương là hành trình của những kỷ niệm,
mang đậm dấu ấn cuộc đời, cảm xúc của người viết. Huy Phương viết văn là một
cách để tự đối thoại với chính mình. Dù rằng đó là hành trình rất riêng của cuộc
đời tác giả, nhưng những trang viết của Huy Phương luôn tự thân mở ra nhiều chiều
kích của không gian và thời gian, có sức mạnh của sự cộng hưởng cảm xúc, của niềm
giao cảm nơi người đọc. Vì vậy nó không đơn thuần là câu chuyện của một cá
nhân, một cuộc đời. Đó là câu chuyện mà nhiều người có thể đồng điệu, có thể
tìm thấy chính mình trong đó và các thế hệ sau có thể đứng trên trục hiện tại để
cảm thức về quá khứ, qua những câu chuyện rất chân thực, rất sống động của cha
ông mình.
Phần
II của cuốn sách tập hợp một số sáng tác, chủ yếu là thể loại truyện ký, với
cái trục cốt lõi là những câu chuyện của cuộc đời tác giả: chuyện về tình yêu,
chuyện nghề giáo, nghề văn, chuyện đồng nghiệp… Cuốn sách như một thước phim
quay chậm, làm hiện dần lên những khuôn mặt, những dáng hình, những khung cảnh -
hẳn là rất khó quên trong cuộc đời người viết. Mỗi câu chuyện hẳn nhiên là được
viết ra ở những thời điểm cụ thể, nhưng được tập hợp lại trong cuốn sách nhỏ này,
như một món quà ân tình mà tác giả muốn sẻ chia, trao gửi cho người, cho đời….
Cuốn
sách hấp dẫn người đọc bởi một lối viết tự nhiên, dung dị. Những câu chuyện mà
ông kể như mạch nguồn trong khe suối, tuôn đổ một cách tự nhiên từ hồi ức vốn rất
sẵn, vốn rất tràn đầy, vốn được lưu trữ cẩn thận trong một vùng ký ức rất đặc
biệt. Và khi cần, chỉ chạm nhẹ là chảy tràn trên trang viết, dường như không phải
dụng công nhiều. Đó cũng là kết quả của một tư duy ưa quan sát, của vốn sống trực
quan phong phú, một lối viết giàu chất suy tưởng nhưng không nặng về triết lý,
được trung hòa bằng cảm xúc, bằng một thứ ngôn từ chân phương, trong sáng.
Có
thể nói rằng Chút quà tình nghĩa đã phác hoạ nên bức chân dung tinh thần
của tác giả Huy Phương- đúng như ông đã từng bộc bạch trong một bài viết “Hắn
chỉ là một con người hết sức bình thường, nhưng không bao giờ tầm thường. Hắn
luôn đề cao và trân trọng những giá trị thuộc về nhân phẩm, tình người” (“Đôi
điều tâm sự khi xuất bản Những mảnh kí ức”- Những mảnh kí ức, Nhà xuất bản Đại
học Vinh, 2014). Trân trọng, biết ơn những kỉ niệm, những con người đã đến
với ta trong cuộc đời, dù buồn, dù vui… Những ứng xử như vậy đã thực sự làm nên
vẻ đẹp của những trang sách này. Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu
cuốn sách Chút qùa tình nghĩa của tác giả Huy Phương tới bạn đọc.
Tin bài: NXB ĐHV