Trong những năm gần đây, nhiều thể loại văn học lên ngôi và gây được sự chú ý của bạn đọc: chân dung văn học, tạp văn, tản văn...Với tính chất là những áng văn tiểu phẩm có tính xã hội- chính trị, vừa bám sát những vấn đề thời sự, thể hiện tính chính luận sắc bén, vừa có thể trở thành những áng văn  nghệ thuật cô đọng, tạp văn đã trở thành sự lựa chọn của nhiều cây bút văn xuôi như Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Lập...

 

Bìa trước Tạp văn Hồ Phi Phục

 

Hồ Phi Phục là hội viên ban thơ Hội văn nghệ Nghệ An. Nhưng anh tạo được ấn tượng cho tôi chính lại là những bài tạp văn anh đăng trên tạp chí Sông Lam và một số báo chí khác. Những bài viết như vậy được tập hợp lại trong cuốn Tạp văn Hồ phi Phục do Nhà xuất bản Đại học Vinh xuất bản vào cuối tháng 8 năm 2012. Cuốn sách mỏng với 29 bài viết  ngắn, bàn về nhiều đề tài khác nhau nhưng tất cả đều nóng hổi tính thời sự, thể hiện những trăn trở hết sức sâu sắc, nhiều khi đến đau đớn của người cầm bút trước cuộc đời. Là người từng đảm nhận nhiều công việc và chức vụ khác nhau: kỹ sư cơ khí, Bí thư huyện uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ... anh có dịp đi nhiều, biết nhiều, trải nghiệm nhiều. Để đến hôm nay, ở ngoài tuổi thất thập, tạp văn của anh đã chín lại trong cái nhìn vừa khắc khoải, lo âu, vừa điềm tĩnh, nhân hậu, thấm đẫm tình người.   

Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến thật có lý khi cho rằng tạp văn là “sự nhức nhối của trí tuệ”. Người ta thấy trong tạp văn Hồ Phi Phục những nỗi đau, nỗi lo rất thật.  Trong bối cảnh hôm nay, càng thấy tầm nhìn sớm của anh với chùm bài viết về Kinh tế ngầm  (anh viết từ năm 1994-1995). Và khắc khoải hơn là những suy tư về mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ, văn hóa và phát triển. Anh thổn thức trước những lựa chọn mạo hiểm của con người: rừng cây xanh tươi nhường chỗ cho những trạm thủy điện lẻ loi bên những dòng sông nham nhở; rừng lim già được thay thế bằng những đồi bạch đàn bé nhỏ; những quả núi được phá đi để thay vào đó là những hòn non bộ. Anh nuối tiếc khi cuộc sống ngày càng vắng dần những tiếng chim, những hồ sen “phập phồng thanh khí suốt mùa hoa”, những cây đa tỏa bóng đầu làng. Anh nghĩ đến một “tầm nhìn văn hóa” trong sự phát triển. Những âu lo đó của anh dường như đã bắt gặp những âu lo lớn của nhiều dân tộc, của nhân loại hôm nay. 

 Đọc tạp văn Hồ Phi Phục, người đọc cảm nhận rất rõ sự kết hợp hài hòa giữa tính chất trí tuệ sâu sắc và chất trữ tình đằm thắm. Chất trữ tình trước hết bắt nguồn từ tấm lòng người viết. Người ta thấy tình người đầy ấp trong văn anh, từ nỗi niềm đối với con người: một thầy giáo cũ, một người bạn văn, một người bạn hưu trí... cho đến nỗi niềm với thiên nhiên: sông, suối, cây xanh, chim trời, cá nước... Có lẽ anh viết tạp văn với tình cảm của một nhà thơ. Nhưng đấy là một chất thơ không dễ dãi, không tuôn trào bột phát mà lắng sâu suy tư, buộc người đọc phải giật mình, trăn trở.

            Và cuối cùng, điều tôi nhận thấy ở tạp văn Hồ Phi Phục là một thái độ điềm tĩnh, một niềm tin ở con người và cuộc đời. Đằng sau những suy tư là một thái độ ứng xử. Tôi muốn dẫn câu văn này của anh trong Khúc ca cây xanh như là lời kết cho bài viết của mình: “ Xin hãy bình tâm trước sự chênh lệch trí tuệ dẫn đến mất còn. Khúc ca cây xanh là khúc ca tuần hoàn của nhận thức, của sự sống và của quy luật muôn đời. Lá còn rụng, cây còn xanh mãi...” 

                                                         Vinh, 20 tháng 8 năm 2012

                                                           PGS.TS Đinh Trí Dũng