Hà Tĩnh là vùng đất có bề dày về truyền thống hiếu học, khoa bảng với nhiều nhân vật, dòng họ nổi tiếng làm rạng danh quê hương, đất nước như: Sử Hy Nhan, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Nghiễm, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, đại danh y Lê Hữu Trác, Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng,... và đặc biệt là Đại thi hào Nguyễn Du.

Tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh là tiến sĩ Văn học, đồng thời yêu mến và gắn bó với khoa học Lịch sử. Là một người được học hành bài bản, phụ trách công tác quản lý văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Nguyễn Tùng Lĩnh có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tri thức và những hiểu biết về di sản văn hóa Hà Tĩnh. Vậy nên, tác giả đã ấp ủ và phác thảo nên bức tranh lột tả vẻ đẹp của di sản văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử dân tộc, từ đó cho ra đời đứa con tinh thần: “Tìm trong di sản”.

 

Cuốn sách gồm tập hợp 20 bài viết “tâm đắc” của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương nhằm đánh dấu chặng đường 20 năm tác giả “có duyên” công tác trong Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh. Cuốn sách được cấu trúc gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Truyền thống lịch sử - văn hóa, gồm các bài viết về một số di sản khắc dấu trong văn hóa Hà Tĩnh. Với sự nghiêm túc trong xử lý tư liệu, Nguyễn Tùng Lĩnh đã khảo cứu một cách kỹ lưỡng hệ thống Văn miếu, Văn thánh Hà Tĩnh, phong trào Cần Vương và những di tích, chứng tích lịch sử liên quan. Những trang viết thể hiện sự công phu và cẩn thận trong sưu tầm tư liệu, thống kê, đánh giá khách quan về những đóng góp của các nhà Nho học khoa bảng Hà Tĩnh dưới triều Nguyễn. Phần thứ nhất đã dành khá nhiều trang khẳng định thêm các giá trị di sản văn hóa của làng Trường Lưu, đặc biệt là dòng văn chương độc đáo, trữ tình của dòng họ Nguyễn Huy. Ngoài một số bài đậm chất khảo cứu, tác giả đã đưa vào phần này một bài về di tích danh thắng Núi Hồng - Thiên Tượng, từ giọng văn đến nội dung gần như một bút ký văn chương và những câu chuyện văn hóa phi vật thể như: Tiễn Xuân Ngưu, Tục dựng cây nêu, Chuyện Tết xưa

Phần thứ hai: Nhân vật - Sự kiện, gồm những bài viết về một số danh nhân nổi tiếng trong lịch sử Hà Tĩnh. Người có sự nghiệp lẫy lừng như Hoàng giáp, Thượng thư bộ Hộ, Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm; bậc phong lưu đại thần đa tài, giỏi văn chương, thơ phú, kiến trúc, hội họa Nguyễn Khản; một Nho gia và danh y có một không hai của Việt Nam Lê Hữu Trác; một cá nhân đặc biệt, một tính cách đặc biệt - kẻ sỹ đất La Sơn Nguyễn Thiếp… Rồi Phạm Khắc Hòe với những dấu ấn trong Quốc khánh năm 1945, Nguyễn Ái Quốc với lựa chọn thời cơ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945… Ngoài những sự kiện lịch sử, những mối quan hệ chính trị, xã hội trực tiếp liên quan đến nhân vật ta từng gặp trong các bài viết của các nhà nghiên cứu đi trước (điều không thể tránh được), Nguyễn Tùng Lĩnh đã biết lách giữa cánh rừng tư liệu văn bản, chọn được cho mình một lối đi riêng tránh dẫm lên dấu chân người khác nhờ vào cách lựa chọn ý tưởng, phương pháp tiếp cận và một lối viết khúc chiết.

TS. Nguyễn Tùng Lĩnh giới thiệu sách “Tìm trong di sản”

 

Nhà văn Đức Ban đã cho rằng: những bài viết trong sách “Tìm trong di sản” của Nguyễn Tùng Lĩnh là những hạt “sa thạch” nhỏ trong ngọn núi Di sản Hà Tĩnh đồ sộ, cao ngút, giúp chúng ta suy ngẫm và cảm nhận. Và chắc chắn kho tàng di sản Hà Tĩnh sẽ là nguồn cảm xúc không vơi cạn của các nhà địa phương học, của những người yêu quê hương, đất nước, sẽ tiếp tục được khám phá thêm những giá trị mới và giới thiệu nhiều hơn, sâu sắc, sinh động hơn.

Nhà xuất bản Đại học Vinh và tác giả trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc.

Tin bài: NXB ĐHV