Trong xu thế hiện nay, việc Việt Nam tham gia vào tiến trình toàn cầu
hóa, khu vực hóa được đặt ra với những cơ hội phát triển và cả những thách thức
kinh tế, đối ngoại, văn hóa, an ninh ngày càng sâu rộng và toàn diện. Vì vậy,
nghiên cứu về bối cảnh thế giới và Việt Nam, nhận diện xu thế toàn cầu hóa có ý
nghĩa quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước.
Toàn cầu hóa (Globalization) và hội
nhập quốc tế (International Integration) là xu thế hiện thực khách quan của lịch sử, trước hết và chủ yếu đề cập đến mối liên hệ trong
lĩnh vực kinh tế thế giới. Trên thực tế, xu thế toàn cầu hóa đã bao trùm toàn bộ đời sống của
con người trên
các mặt/lĩnh vực: kinh tế, chính
trị, văn hóa - xã hội, khoa học và công nghệ, an ninh - quốc phòng,… Cùng với
toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy hợp tác,
gắn kết, chia sẻ những lợi ích kinh tế giữa các quốc gia, khu vực trên phạm vi
toàn cầu. Từ đó
góp phần thúc đẩy, gia tăng các mối liên hệ, liên kết, sự tác động ảnh
hưởng qua lại, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn
cầu. Quá trình này vừa mang đến những thời cơ nhưng cũng
đặt ra những thách thức đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo nghiên cứu của các tác
giả PGS.TS. Nguyễn Anh Chương, TS. Lê Thế Cường và TS. Nguyễn Văn Tuấn thì từ
khi tiến hành đổi mới đất nước vào năm 1986 đến nay, nhất là trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước ta đã
có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp để chủ động, tích cực hội nhập quốc
tế, trong đó có hội nhập về kinh tế. Quá trình này đã giúp Việt Nam phát huy tối
đa nội lực, tranh thủ ngoại lực phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển
đất nước, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trên cơ sở đánh giá bối cảnh quốc
tế và tình hình trong nước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng (01/2021) tiếp tục nhấn
mạnh cần phải thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ
trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước
trong từng giai đoạn.
Để nhận diện cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham
gia tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, các tác giả là các giảng viên có nhiều
kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thế giới tại khoa Lịch sử, Trường
Sư phạm, Trường Đại học Vinh đã dày công nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Toàn
cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam (hai thập niên đầu thế kỷ
XXI)”.
Nội dung cuốn sách được cấu trúc một cách hệ thống với
3 chương, trong đó: Chương 1- Một số vấn đề về toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế
quốc tế; Chương 2- Khái quát về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trước năm
2001; Chương 3- Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong hai thập niên đầu
thế kỷ XXI.
Điểm đáng lưu ý là xuyên suốt nội dung 3 chương sách,
song song với việc khái quát về vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
của Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, các tác giả đã: Tập trung làm
rõ khái niệm toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và các khái niệm liên quan;
Biểu hiện, đặc trưng, quá trình phát triển, vai trò, tác động của toàn cầu hóa;
Các phương thức, vai trò, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế; Trình bày các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập
kinh tế quốc tế trước khi đổi mới đất nước (1986) và từ năm 1986 đến năm 2000;
Thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc
tế của nước ta trước năm 2001; Tập trung làm rõ chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; Quá trình tham gia hội
nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thông qua một số khuôn khổ, cơ chế hợp tác
khu vực và quốc tế; Những thành tựu chủ yếu trên một số lĩnh vực và hạn chế
trong hội nhập kinh tế quốc tế; Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chủ động và
tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn
sách tới quý bạn đọc!
Xem tóm tắt nội dung cuốn sách tại đây: toan_cau_hoa_va_hoi_nhap_kinh_te_quoc_te.pdf
Tin bài: NXB ĐHV