(Lời giới thiệu sách): Năm nay, khoa Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Vinh tròn 55 tuổi (1959 – 2014). Với một khoa đào tạo ở một trường đại học, hơn nửa thế kỷ chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để nhìn lại những thăng trầm trên từng bước đường xây dựng và phát triển.
Song song với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng là một hoạt động cơ bản, được các thế hệ cán bộ trong khoa đầu tư thích đáng. Từ khoa Văn, sau đó là khoa Ngữ văn, nhiều thầy cô giáo đã trở thành những nhà khoa học có uy tín, tác giả của nhiều công trình có giá trị. Tiếp bước các thế hệ tiền bối, đội ngũ giảng viên khoa Sư phạm Ngữ văn hôm nay đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy. Những năm gần đây, đã có hàng chục chuyên luận, giáo trình, sách tham khảo được xuất bản. Trong những dịp kỷ niệm ngày thành lập khoa, một số tuyển tập công trình nghiên cứu đã ra mắt độc giả, thực sự là tài liệu tham khảo bổ ích cho nhiều đối tượng. Đó là các cuốn Những vấn đề lý thuyết – lịch sử văn học và ngôn ngữ(45 năm khoa Ngữ văn – 2004); Những vấn đề văn học và ngôn ngữ học (50 năm khoa Ngữ văn – 2009). Cuốn sách mà quý vị đang có trong tay - Văn học và ngôn ngữ - những góc nhìn mới - là tuyển tập thứ ba, tập hợp những bài viết được các tác giả hoàn thành khoảng vài ba năm trở lại đây. Một số bài đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành hoặc kỷ yếu hội thảo khoa học. Có những bài lần đầu tiên đến với người đọc qua cuốn sách này.
“Phổ” nội dung của cuốn sách khá rộng. Đó là những vấn đề của văn học Việt Nam, bao gồm cả văn học dân gian và văn học viết (từ trung đại đến hiện đại); là những tác giả và tác phẩm văn học nước ngoài (thuộc nhiều nền văn học khác nhau, ở những thời kỳ khác nhau); là những nội dung phong phú, đa dạng của ngôn ngữ học hiện đại (từ ngôn ngữ đời sống đến ngôn ngữ nghệ thuật); là các khía cạnh mới mẻ của lý luận văn học, của phương pháp dạy học Ngữ văn, của lĩnh vực báo chí – truyền thông.
Các vấn đề được đề cập trong cuốn sách, có đề vấn rất thời sự, hiện đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, có vấn đề đã khá quen thuộc, nhưng điều đáng ghi nhận là các tác giả đã cố gắng soi chiếu chúng dưới những góc nhìn mới, thể hiện rõ chủ kiến của người nghiên cứu, kích thích sự suy nghĩ, phản biện của người đọc, để ngỏ khả năng đối thoại.
Cuốn sách cũng cho thấy sự đa dạng về cách tư duy và bút pháp. Có người sở trường về lý thuyết, có người rất mạnh ở khả năng cảm thụ. Có người thích tiếp cận đối tượng bằng thao tác “cân đong đo đếm” tỉ mỉ với các số liệu cụ thể, chi tiết; lại có người ưa lối viết khái quát, với những nhận định táo bạo, bất ngờ. Chính sự đa dạng, phong phú ấy đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của cuốn sách.
Tuy nhiên, do thời gian tổ chức bản thảo tương đối gấp gáp, cuốn sách không tránh khỏi những khiếm khuyết. Rất mong độc giả thông cảm và góp ý để nếu có dịp tái bản, cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn.
BAN BIÊN TẬP