NXB ĐHV: Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn sách Vườn văn, những lối vào... của tác giả Đặng Lưu (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh). Sách đã được trao giải Khuyến khích - giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2013 của Liên hiệp các Hội VH – NT Việt Nam.
Văn chương như một khu vườn rộng, rất rộng, hấp dẫn nhiều đối tượng vốn say mê vẻ đẹp của ngôn từ.
Hình như khu vườn văn chương không muốn từ chối ai. Nó luôn mở ngỏ nhiều lối vào, hầu mong những kẻ yêu văn chương được thỏa lòng, được tự do bộc lộ sở thích, cá tính, trải nghiệm và trình độ, qua cuộc chơi với muôn vàn văn bản đa dạng.
Có sự liên thông giữa mọi lối vào nhưng điều đó không hề làm giảm những thích thú riêng của người mong chia sẻ cùng văn chương bao nhận thức, cảm xúc và cảm giác, khi họ, vào một lúc nào đó và trong một điều kiện nào đó, quyết định thâm nhập vườn văn theo một trong muôn lối mở ngỏ. Những khám phá không lặp lại về sự đa diện của văn chương luôn ứng với cách chọn đường đi, cách suy ngẫm, chiêm ngắm vốn hết sức đa dạng của mỗi người. Nếu biết tôn trọng văn chương như một thế giới có cấu trúc riêng, có quy luật phát triển riêng của nó thì mọi phát hiện, dù nhỏ, đều có ý nghĩa và đáng được đối thoại một cách trân trọng.
Nhận thức của Đặng Lưu - tác giả cuốn sách ta đang cầm trên tay - về văn chương và về tính bình đẳng của những cách tiếp cận khác nhau đối với văn chương là như thế chăng?
Câu hỏi trên đã biến thành sự khẳng định khi chúng ta theo dõi cấu trúc của cuốn sách cùng tính đa dạng của những bài viết được tập hợp ở đây. Có bài bàn sâu về lý thuyết (lý thuyết phong cách, lý thuyết liên văn bản). Có bài nghiên cứu ứng dụng các lý thuyết đó. Có bài phê bình - đọc sách. Có bài như một phát biểu chính luận. Có bài mang dáng dấp tư liệu giảng văn. Lại có bài tự sự về những chặng đời đi và đến với văn chương… Hóa ra, nhận thức tổng quát nói trên không thuần túy là sản phẩm của óc tư biện mà còn là kết quả nghiệm sinh của cả một đời yêu văn, gắn bó với nghề dạy văn, nghề nghiên cứu ngôn ngữ và văn học.
Tác giả đã nói đến văn chương từ nhiều tư cách khác nhau, nhưng trong đó, tư cách của người nghiên cứu ngôn ngữ được bộc lộ rõ nhất. Có điều, với tác giả, ngôn ngữ đã được xem xét trong mối liên hệ sống động với những bên hữu quan của hoạt động giao tiếp, trước hết là giao tiếp nghệ thuật. Nó không phải là cái gì trừu tượng, phi cá tính. Qua cụm bài viết rất công phu về ngôn ngữ trong sáng tác của Nguyễn Tuân, ta có thể thấy rõ một kiểu kết hợp nhuần nhị, có hiệu quả giữa ngữ và văn trong nghiên cứu. Người đọc có thể vui sướng nhận ra rằng những hiểu biết sâu và đúng đắn về chuyên ngành ngôn ngữ đã giúp ích như thế nào cho việc giải mã văn chương. Tác giả đã hoàn toàn vượt lên một lối nghiên cứu khá thịnh bây giờ, cũng nhân danh sự kết hợp giữa ngữ và văn nhưng rốt cục đã đẩy văn đi đằng văn, ngữ đi đằng ngữ, khiến công trình “nghiên cứu” chẳng có lợi gì cho ngữ (vì chỉ đưa thêm ví dụ mới để minh họa lại cho những lý thuyết đã biết) mà cũng chẳng có lợi gì cho văn (vì không nhìn ra mối liên hệ giữa các kiểu cấu trúc ngôn ngữ tồn tại trong tác phẩm văn chương với cái nhìn nghệ thuật riêng của nhà nghệ sĩ). Về chính điều này, tác giả cũng đã có một “cảnh báo” rất đáng được lắng nghe.
Vào vườn văn bằng nhiều lối, đó là một chuyện. Chuyện nữa, vào để gặp gỡ các đối tượng khác nhau. Có tác giả kinh điển. Có tác giả đương đại. Có người từng được ngưỡng mộ từ xa. Có người là chỗ giao lưu thân tình, suồng sã. Có hệ thống tác phẩm làm nên cả một sự nghiệp. Có đơn vị sáng tác riêng lẻ, như một bông hoa bắt gặp tình cờ mà để lắm vấn vương… Cũng cần phải nói thêm: đối tượng gặp gỡ của tác giả không chỉ là văn mà còn là những kẻ yêu văn, cũng đi vào vườn văn như chính anh. Họ là thầy dạy, là bạn học thiếu thời hay những đồng nghiệp từng chia ngọt sẻ bùi với anh qua các dặm đường nhiều gian khó mà cũng lắm đam mê...
Suy cho cùng, việc thử đi vào vườn văn bằng nhiều lối xuất phát từ chỗ tác giả muốn được thấy các đối tượng trong vẻ nguyên sơ, tươi tắn của chúng. Trước các đối tượng khác nhau, tác giả đã linh hoạt điều chỉnh cách tiếp cận sao cho phù hợp. Giọng văn cũng theo đó mà thay đổi, lúc chắc nịch khẳng quyết, lúc phóng khoáng tung tẩy, lúc tinh quái bỡn đùa…
Vườn văn… những lối vào – một cuốn sách rủ rê! Rủ rê vào thế giới của văn chương. Rủ rê đối thoại, khám phá cùng tác giả về những điều thật giàu ý nghĩa mà anh thu nhận được từ vườn văn “rộng rinh” đầy hương sắc!
PGS.TS. Phan Huy Dũng