Giáo trình Văn hoá lãnh đạo, quản lý có bố cục 4 chương: Chương 1 giới thiệu những vấn đề chung về môn học; Chương 2 phân tích những cơ sở hình thành văn hóa lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam; Chương 3 phân tích nội dung và nguyên tắc xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam và Chương 4 đề xuất phương hướng và giải pháp xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay.

Giáo trình đựợc biên soạn theo hướng tiếp cận năng lực, bám sát chuẩn đầu ra theo đề cương môn học liên quan. Đầu mỗi chương, có phần Mục tiêu, nêu lên những chuẩn kiến thức, kỹ năng mà người học cần đạt được. Cuối mỗi chương, có Tóm tắt các nội dung đã trình bày và danh mục Tài liệu đọc thêm, yêu cầu học viên tìm đọc để củng cố, tìm hiểu sâu hơn nội dung trình bày. Sau đó là hệ thống Câu hỏi ôn tập giúp người học tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của bản thân, đối chiếu với Mục tiêu để điều chỉnh kế hoạch học tập hiệu quả hơn.

Giáo trình Văn hóa lãnh đạo, quản lý là kết quả của việc dày công nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm giảng dạy của TS. Phạm Thị Bình và TS. Vũ Thị Phương Lê tại Khoa Chính trị - Báo chí, Trường Đại học Vinh. Đây là công trình được thiết kế một cách bài bản, phục vụ cho công tác nghiên cứu và đào tạo bậc sau đại học. Các vấn đề ở đây được triển khai từ lí luận đến thực tiễn, từ khái quát đến những kiến giải cụ thể; từ những luận bàn giàu màu sắc chính trị, triết luận đến những kiến giải cụ thể, sinh động… Cuốn sách chắc chắn sẽ là học liệu hữu ích cho sinh viên, học viên ngành Chính trị học.

 Văn hoá lãnh đạo, quản lý được xem là một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung, thuộc phạm trù văn hóa chính trị. Việc xây dựng văn hoá lãnh đạo, quản lý là nhằm xây dựng những giá trị, chuẩn mực, tạo nên phong cách lãnh đạo, quản lý của người cán bộ, có ảnh hưởng, tác động rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Đây là vấn đề rất được quan tâm của nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức trong xã hội. Vì vậy, cuốn sách chắc chắn cũng sẽ là một tài liệu tham khảo thú vị, bổ ích cho nhiều bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này. Tại cuốn sách, các học thuyết lãnh đạo quản lý tiêu biểu trong lịch sử như: Học thuyết quản lý ở Trung Hoa thời cổ đại; học thuyết quản lý tiêu biểu ở các nước Phương Tây thời cận đại, hiện đại; thực tế quản lý của các triều đại phong kiến ở Việt Nam… cũng được nhóm tác giả đề cập đến. Trên cơ sở nghiên cứu đó, cùng với việc nghiên cứu, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh và những nội dung quan trọng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII về vấn đề này, những nội dung, nguyên tắc, phương hướng và nhóm giải pháp xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam đã được nhóm tác giả đề xuất và trình bày một cách khoa học trong cuốn sách này. Vì vậy, đọc cuốn sách này, bạn đọc có thể tiếp cận một cách hệ thống nhiều vấn đề liên quan đến lí luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực văn hoá lãnh đạo, quản lý.

Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn Giáo trình Văn hóa lãnh đạo, quản lý của TS. Phạm Thị Bình và TS. Vũ Thị Phương Lê tới quý bạn đọc.

Ảnh và bài: NXB ĐHV