Đây là cuốn sách được biên soạn bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, cùng với nhiều hình ảnh đẹp, thông tin cập nhật, cho thấy diện mạo một Tân Kỳ ngày càng thay da đổi thịt và phát triển. Nội dung chính của sách “Tân Kỳ - điểm đến văn hoá, du lịch miền Tây xứ Nghệ” gồm có 5 phần: 1- Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ; 2- Điểm đến di sản; 3- Sắc màu văn hoá; 4- Sản vật, làng nghề; 5- Tân Kỳ mời gọi.

Năm 1897, nhà văn quý tộc Pháp là hầu tước Pierre Francois Sauvaire De Barthelemy, trong chuyến thám hiểm Đông Dương đã từ Cây Chanh theo thuyền ngược sông Con, sang mạn Tân Kỳ, Nghĩa Đàn ngày nay săn bắn. Từ trên sông, ngắm nhìn cảnh sắc vùng này, với trùng điệp, nhấp nhô những dãy núi đá vôi, dựng đứng trên vùng đất bằng phẳng, nhà văn đã ngạc nhiên thốt lên “Đây là vịnh Hạ Long trên cạn” (C’est une baie d’Halong Terrestre). Không chỉ thế, nhà thám hiểm còn sửng sốt với muông thú nơi đây, với những đàn chim công bay rợp trời, mà ông đã bắt được ba con, có kích thước từ đầu đến đuôi là hai mét. Ông cũng đã săn trượt một con hổ, nhưng đã hạ được một con voi khổng lồ và rất nhiều hươu, nai, lợn rừng... Một doanh nhân Pháp khác là Louis Lejeune, cũng từ mê săn bò rừng vùng Lạt, mà năm 1909 đã lập một đồn điền rộng 350ha ở Đồng Cốc, nay thuộc xã Hương Sơn.

Thiên nhiên quả là đã hào phóng, ban phát cho Tân Kỳ sự kỳ vĩ về cảnh sắc, sự đa dạng của các loài thực vật và sự giàu có về sản vật. Là mảnh đất nằm ở không gian chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng bán sơn địa và vùng núi cao của miền Tây Nghệ An, Tân Kỳ không có sông thật to, ngoài con sông Hiếu, mà đoạn chảy qua Tân Kỳ được gọi là sông Con, chảy nghiêng nghiêng theo chiều đông bắc - tây nam, để đổ về lòng mẹ là sông Cả (sông Lam). Tân Kỳ không có núi cao, ngoài đỉnh Pù Loi, cao hơn 1.000 m, nơi có sản vật măng Loi nổi tiếng. Người xưa có câu: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh/Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh” (Núi không thật cao, nhưng có tiên ở thì nổi danh/Sông không thật sâu, nhưng rồng trú ngụ thì linh thiêng). Mỗi dòng sông, ngọn núi, hang đá, đồng bãi... ở đây đều chứa đựng những sự tích thể hiện truyền thống văn hóa - lịch sử, từ khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, đến các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Từ xa xưa, Tân Kỳ đã là ngôi nhà chung của người Kinh, người Thái và người Thổ. Dưới thời thuộc Pháp với các đồn điền, trang trại; và nông trường quốc doanh vào những năm giữa thế kỷ XX, Tân Kỳ là vùng đất mới, tụ hội và bao bọc người tứ xứ về đây sinh cơ lập nghiệp. Chưa kể, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất này còn mở lòng bao dung với hàng vạn đồng bào vùng giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị) về sơ tán. Sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên cộng hưởng với sự phong phú, đặc sắc về văn hóa đã làm nên một Tân Kỳ giàu bản sắc và sức sống.

Trong những năm gần đây, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông được mở rộng; cơ chế, môi trường kinh tế thuận lợi, thông thoáng hơn. Người dân Tân Kỳ vốn đã cởi mở và hào sảng, càng trở nên khoáng đạt hơn và có nhiều cơ hội để phát huy thế mạnh của mình. Những tiền đề đó đã và đang thúc đẩy Tân Kỳ có những bước đi vững chắc và nhanh chóng hơn trên con đường đổi mới và phát triển. Tân Kỳ có tiềm năng và nội lực, có khát vọng và quyết tâm để phát triển.

Cuốn sách Tân Kỳ - điểm đến văn hoá, du lịch miền Tây xứ Nghệ như một sự mở lời, bày tỏ tấm lòng, ý nguyện giao lưu, hợp tác của Tân Kỳ với đối tác và bè bạn trong và ngoài nước. Không chỉ là điểm hẹn kỳ thú để khám phá, Tân Kỳ xứng đáng là nơi đất lành chim đậu, là nơi hội tụ và tỏa sáng.

Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc!

Ảnh và bài: NXB ĐHV