Đây là hoạt động đầu tiên của tuần lễ Văn hoá Trường Lưu để chuẩn bị cho Lễ đón bằng công nhận “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” vào ngày 24/6/2023 sắp tới. Đồng thời, cũng mà dịp mà UBND huyện Can Lộc, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu xã Kim Song Trường và hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy kỷ niệm 310 năm Năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-2023), 280 năm Năm sinh Nguyễn Huy Tự (1743-2023), 240 năm Năm sinh Nguyễn Huy Hổ (1783-2023).

Nhân dịp này, NXB ĐHV đã có hoạt động trưng bày và giới thiệu sách về di sản văn hoá Trường Lưu đã được xuất bản trong hơn 10 năm qua.

 

GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ cùng cán bộ viên chức NXB ĐHV

 

Từ năm 2016, NXB ĐHV bắt đầu có những buổi làm việc đầu tiên với GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, một người con đầy tâm huyết của dòng họ Nguyễn Huy thuộc làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Kể từ đó đến nay, NXB ĐHV rất vinh dự, tự hào đồng hành cùng với ông, đồng hành với từng trang bản thảo ghi dấu bao trước tác của những danh nhân của dòng họ này và đã xuất bản, ấn hành 15 đầu sách về văn hóa Trường Lưu.

Biên tập viên Cao Thị Anh Tú giới thiệu sách về dòng họ Nguyễn Huy, làng Trường Lưu đã xuất bản ở NXB ĐHV

 

Làng Trường Lưu là quê hương của dòng họ Nguyễn Huy với những danh nhân văn hóa Việt Nam như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ và nhiều nhà khoa bảng khác. Đến nay, làng Trường Lưu là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Một người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu là Nguyễn Huy Oánh, ông được xem là thám hoa tài danh bậc nhất của nước Nam, là người mở ra dòng văn Trường Lưu và được nhiều thế hệ tiếp nối. Trước tác ông để lại trên nhiều lĩnh vực, như: Thiên văn, địa lý, lịch sử, triết học, hội họa… Tính đến nay, NXB ĐHV đã xuất bản một số cuốn sách có giá trị của Nguyễn Huy Oánh như cuốn Bắc dư tập lãm (năm 2017) được biên lược từ quyển Danh thắng toàn chí của Trung Quốc, ghi chép tỉ mỉ về địa chí của một số tỉnh Trung Quốc; Cuốn Sơ học chỉ Nam (năm 2018) chủ yếu cung cấp những nội dung cơ bản dành cho người mới học thời phong kiến (như nghi thức nhập học, nghi thức hành lễ, phương pháp học chữ, cách thức học câu văn, hành văn…); cuốn Yên Thiều nhật trình (năm 2020) là bản đồ hành trình đi sứ được biên vẽ bắt đầu từ Đài Chiêu Đức và kết thúc ở thành Bắc Kinh; mô tả, biên vẽ, ghi chép và chú thích cụ thể, tỉ mỉ về các thành, trấn nhỏ và vùng xung quanh đất phương Nam của Trung Quốc ở giai đoạn giữa thế kỷ 18; cuốn Ba kinh toản yếu (Trong Tổng tập Di sản văn hóa Trường Lưu - Tập 3, năm 2022), được Nguyễn Huy Oánh biên soạn từ trước năm 1756, các thế hệ sau viết tiếp. Nội dung của sách được Nguyễn Huy Oánh thực hiện trên cơ sở tiết yếu, toản yếu từ Thi kinh đại toàn của nhóm Hồ Quảng thời Minh và các bộ sách khác của các danh sĩ đương  thời.

Đặc biệt, cuốn sách Hoàng Hoa sứ trình đồ (xuất bản bản bản tiếng Việt năm 2017, bản tiếng Anh năm 2019, tái bản có bổ sung năm 2020) miêu tả một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Hoa vào thế kỷ 18, cụ thể là việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là cuốn sách được giới nghiên cứu đánh giá là tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị nhiều mặt, như: địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hoá, phong tục, nghệ thuật.... Hoàng Hoa sứ trình đồ đã được ghi vào Danh mục Di sản tư liệu tại Hội nghị Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á/Thái Bình Dương (MOWCAP) năm 2018.

Ngoài ra còn có các cuốn sách như: Quảng Thuận đạo sử tập (năm 2017) do Nguyễn Huy Quýnh biên tập, Nguyễn Huy Chương vẽ bản đồ năm Bảo Đại thứ 18 (1943; Phượng Dương Nguyễn tông thế phả (XB năm 2018) do Nguyễn Huy Tự soạn năm 1787, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Toản, Nguyễn Huy Chương viết tiếp. Sách ghi chép lại gia phả dòng họ Nguyễn tại Phượng Dương; Nguyễn Thị gia tàng (2018) do Nguyễn Huy Vinh biên chép; Làng văn hóa Trường Lưu (2020) do GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ biên soạn, tổng hợp các kết quả ban đầu trong việc sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu về văn hóa làng Trường Lưu, từ năm 1984 đến năm 2020; Di sản văn hóa Trường Lưu, từ làng quê ra thế giới (2023) do GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ biên soạn, giới thiệu hành trình của các cấp chính quyền, của Nguyễn Huy Mỹ và các cộng sự trong việc đưa một làng quê nhỏ bé nhưng giàu truyền thống văn hóa đến với thế giới, để làng Trường Lưu được thế giới biết đến và ghi danh, hành trình của hơn 30 năm, kể từ năm 1990 đến  năm 2021.

 

GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày

Trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh và các Sở, ban, ngành đã giao nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về làng Trường Lưu cho các tổ chức, các nhóm nghiên cứu. Nhiều Hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều bài viết chất lượng của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã được tập hợp trong các cuốn kỷ yếu. Hiện nay, NXB ĐHV đã xuất bản được các cuốn kỷ yếu sau: Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh về biên giới và biển đảo (năm 2018); Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm thế kỷ XVII-XX của dòng họ Nguyễn Huy, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (năm 2022); Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của di sản văn hóa làng Trường Lưu là cuốn kỷ yếu vừa mới xuất bản vào đầu tháng 6/2023.

  Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, NXB ĐHV đã xuất bản 15 đầu sách có liên quan đến văn hóa dòng họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu. Tuy 15 ấn phẩm chưa phải là con số cuối cùng, nhưng cũng đã cơ bản phác hoạ được bức tranh văn hóa của một dòng họ giàu truyền thống khoa bảng, yêu văn chương, trọng việc học hành - dòng họ đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam 3 danh nhân văn hoá, 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và gần 40 viện sỹ, tiến sỹ, giáo sư đầu ngành. Thiết nghĩ rằng, lưu giữ lại tài sản văn hóa của một dòng họ, để cho các thế hệ sau biết đến, tự hào và tiếp nối, điều đó khiến cho những người làm công tác xuất bản luôn cảm thấy mình đang làm một công việc rất vinh dự, thiêng liêng mà cha ông, dòng tộc họ Nguyễn Trường Lưu đã tin tưởng trao gửi, để nối dài hơn những truyền thống văn hóa tốt đẹp của một vùng quê, rộng hơn là truyền thống văn hóa của một đất nước, gửi những thông điệp đẹp đẽ  ấy qua từng trang sách đến với các thế hệ mai sau.

15 xuất bản phẩm của NXB ĐHV về di sản văn hóa Trường Lưu 

 

Làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh còn rất nhiều di sản có giá trị khác nhưng chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ để làm cứ liệu, hồ sơ đề cử công nhận di sản văn hóa các cấp. Trong thời gian sắp tới, NXB ĐHV sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các cấp chính quyền của huyện Can Lộc nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung, đồng hành cùng Nhân dân làng Trường Lưu, đặc biệt là GS. VS Nguyễn Huy Mỹ trong việc khai thác bản thảo, để tiếp tục xuất bản thêm những tác phẩm có giá trị, góp phần thực hiện Nghị quyết số 93 ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phát triển du lịch và văn hóa của Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Hy vọng trong thời gian không xa, với những thế mạnh có từ chiều sâu văn hóa của lịch sử cha ông để lại, của những tiếp nối, nỗ lực không mệt mỏi của các cấp chính quyền và người dân nơi đây, làng Trường Lưu sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn không chỉ cho du khách trong nước mà còn đối với du khách quốc tế.

Tin bài: NXB ĐHV