Tham dự hoạt động ý nghĩa này có đại diện Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nhà xuất bản Đại học Vinh và đông đảo cán bộ, bà con Nhân dân và học sinh các trường tiểu học trên địa bàn xã Kim Song Trường tham dự.


Đại biểu tham dự Khai mạc trưng bày hệ thống di sản văn hóa làng Trường Lưu

 

Khai mạc Trưng bày Hệ thống di sản văn hóa Làng Trường Lưu là một hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực chào mừng Lễ đón nhận bằng công nhận văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là “Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quảng – Giám đốc, Tổng biên tập NXB ĐHV phát biểu

 

Nhà xuất bản Đại học Vinh là một đơn vị trực thuộc Trường Đại học Vinh, được thành lập ngày 21 tháng 6 năm 2011. Với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động và có trình độ, mặc dù ra đời chưa lâu nhưng NXB ĐHV đã sớm khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình bằng những xuất bản phẩm có chất lượng được ra đời. Hàng năm, ngoài việc xuất bản các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ đào tạo và nghiên cứu của Trường Đại học Vinh, NXB ĐHV còn liên kết xuất bản với nhiều tổ chức, cá nhân từ các trường đại học (Y khoa Vinh, ĐHSP KT Vinh, ĐH Quảng Bình, ĐH Sài Gòn, ĐH Đồng Tháp…) để xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo... Từ năm 2018, NXB ĐHV là một trong 7 đơn vị cả nước được cấp phép xuất bản sách giáo khoa phổ thông và là một trong 32 đơn vị được tham gia xuất bản sách Nhà nước đặt hàng. 

GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ giới thiệu các ván khắc thuộc Di sản tư liệu Mộc bản Trường học Phúc Giang

Đối với mảnh đất và con người Hà Tĩnh, Nhà xuất bản Đại học Vinh sớm có sự gắn bó qua những ấn phẩm ngay từ những ngày mới thành lập. Có thể kể đến “Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh” (2012), “Danh nhân Hà Tĩnh”, tập 1 (2013), “Địa danh Hà Tĩnh” (2014), “Hà Tĩnh - di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt” (2014), v.v… Tiếp đó là Tuyển tập Thái Kim Đỉnh gồm 5 tập (2016-2017), “Bách thần sự tích”, “Chùa cổ Hà Tĩnh”, v.v… nối tiếp nhau ra đời.

Đến nay, chỉ mới sau gần 10 năm hợp tác, NXB ĐHV đã xuất bản được hơn 100 ấn phẩm về Hà Tĩnh. Không chỉ các ấn phẩm đặt hàng từ các sở, ban ngành như: “Lịch sử phong trào công đoàn công nhân và công đoàn Hà Tĩnh” - 2 tập, (2017); “Những phát hiện tiền cổ ở Hà Tĩnh” (năm 2019), “Di tích lịch sử Bia Quan Thượng (bia trị thủy)” (2021), NXB ĐHV còn xuất bản các ấn phẩm đặt hàng của các huyện như Đức Thọ (“Đất và người Đức Thọ”, 2015), “Địa chí Can Lộc” (2015), “Địa chí huyện Cẩm Xuyên” (2020), Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Thạch Điền, Thạch Đài, Thạch Hạ, Thạch Thanh, Việt Xuyên,…(huyện Thạch Hà), Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Kỳ Khang, Kỳ Thượng, Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh), Địa chí huyện Nghi Xuân (2018); Nghi Xuân - Di tích và danh thắng,…và rất nhiều xuất bản phẩm khác đã được phát hành.

Riêng đối với huyện Can Lộc, đặc biệt với Làng Trường Lưu và với dòng họ Nguyễn Huy, sự hợp tác là vô cùng thân thiết. Từ khi GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ đến tiếp xúc, qua trao đổi và làm việc, NXB ĐHV nhận thấy đây là một con người vô cùng uyên bác, đồng thời là người có tinh thần yêu quê hương, có trách nhiệm lớn với dòng họ của mình. Chính nhờ sự thấu hiểu và chia sẻ, hợp tác mà các ấn phẩm như “Bắc Dư tập lãm”, “Quảng Thuận đạo sử tập”, “Nguyễn Thị gia tàng”, “Hoàng Hoa sứ trình đồ”, “Sơ học chỉ nam”, “Phượng Dương Nguyễn tông thế phả”… nối tiếp nhau ra đời. Ngoài những áng sách cổ được soạn lại, “gìn giữ cho muôn đời sau”, các tập kỷ yếu hội thảo khoa học cũng được quan tâm xuất bản: “Nghiên cứu về tư liệu Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy về biên giới và biển đảo” (2018), “Tổng tập di sản văn hóa Trường Lưu” - 3 tập (tập 3, 2022), “Di sản văn hóa Trường Lưu - từ làng quê ra thế giới” (2022) là những bằng chứng sống động và thuyết phục cho sự hợp tác hiệu quả giữa NXB ĐHV với các tác giả là người Hà Tĩnh nói chung, người Can Lộc và người Làng Trường Lưu nói riêng.

GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ và các cán bộ viên chức NXB ĐHV

 

NXB ĐHV kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục cho ra đời những cuốn sách hay, bổ ích và ý nghĩa, góp phần bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa của quê hương Trường Lưu, và để ngày càng có nhiều di sản của Hà Tĩnh được mọi người trong nước và thế giới biết đến và lan tỏa sâu rộng hơn.

Tin bài: NXB ĐHV