TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành và PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản KHXH tham dự Hội nghị
Tham dự phiên khai mạc Hội nghị có sự hiện diện của TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; các đồng chí Lãnh đạo (Tổng Giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập) cùng các biên tập viên cơ hữu của các Nhà xuất bản khu vực phía Bắc. Tới dự Hội nghị Tập huấn, về phía Nhà xuất bản Khoa học xã hội, đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập cùng các đồng chí lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, đăng ký xuất bản, biên tập viên của Nhà xuất bản.
Phát biểu khai mạc, thừa ủy quyền Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thay mặt lãnh đạo Cục Xuất bản, In và phát hành, đồng chí Nguyễn Nguyên nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự. Đồng chí khẳng định, hoạt động xuất bản thuộc hoạt động lĩnh vực tư tưởng- văn hóa theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Theo đó, công tác biên tập đóng vai trò quan trọng, quyết định “sống còn” và là thương hiệu của mỗi đơn vị, do đó việc xây dựng nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khóa bồi dưỡng, đào tạo tập huấn sẽ cung cấp tri thức mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng theo hướng tiếp cận mới; mong muốn các học viên sẽ tham gia đầy đủ và lĩnhhội được các kiến thức mới và ứng dụng hiệu quả vào quá trình công tác tại đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu khai mạc và trình bày chuyên đề đầu tiên
Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất bản cũng đang đứng trước những thách thức lớn như:
(1) Cơ chế thị trường bên cạnh những tác động tích cực tạo nên một thị trường sách sôi động, phong phú, đang đặt ra những thách thức rất lớn cho hoạt động xuất bản. Các đơn vị xuất bản do phải đáp ứng nhu cầu, các loại thị hiếu khác nhau của công chúng nên đã có tình trạng xuất bản, phát hành một số xuất bản phẩm có nội dung không tốt, gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của xã hội, truyền thống văn hóa của dân tộc.
(2) Khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy không bị đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới, phức tạp hơn.
(3) Sự phát triển không ngừng của các phương tiện thông tin điện tử, mạng Internet trở thành nguồn cung cấp thông tin “khổng lồ” nhưng rất khó để kiểm soát được tính đúng sai và chất lượng của thông tin được phản ánh. Người biên tập viên cần phải không ngừng học hỏi, trau đồi kiến thức chuyên môn cũng như bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp.
Khó khăn về nguồn nhân lực của ngành xuất bản, cần tập trung vào chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn
Nắm bắt những thách thức của ngành xuất bản đang phải đối mặt, Hội nghị tập huấn đã truyền tải đến các học viên 04 nội dung chuyên đề mang tính cấp thiết và quan trọng: (1) Một số vấn đề mới trong tổ chức, quản lý hoạt động xuất bản để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành trình bày); (2) Những sai phạm về nội dung thường xảy ra trong công tác biên tập hiện nay (Bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng QLXB, Cục Xuất bản, In và Phát hành trình bày); (3) Bản quyền xuất bản hợp pháp theo quy định pháp luật; gợi mở một số cách thức để thương thảo bản quyền hiện nay (Ông Bùi Nguyên Hùng, Nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày); (4) Những vấn đề cấp bách về phát triển, ứng dụng công nghệ trong xuất bản hiện nay (Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày).
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ xuất bản năm 2022 là diễn đàn để các lãnh đao, biên tập viên cơ hữu các nhà xuất bản lĩnh hội, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng biên tập cần thiết và bổ ích, giúp cho công tác biên tập xuất bản phẩm ngày càng hiệu quả và đạt chất lượng cao, để các biên tập viên xứng đáng được coi là “bà đỡ” của những xuất bản phẩm có nội dung tích cực, lành mạnh, góp phần truyền tải tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nguyễn Thu Trang - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam