LỜI GIỚI THIỆU

Ngày nay điện tâm đồ đã trở thành phương tiện thăm dò cận lâm sàng thường quy trong nội khoa, tim mạch, hồi sức cấp cứu, thần kinh và nhiều chuyên khoa khác. Tuy đã có từ rất lâu nhưng đến nay điện tâm đồ vẫn không hề lạc hậu mà rất cần thiết trong chẩn đoán bệnh nội khoa, tim mạch, đặc biệt là thăm dò không thể thiếu trong chẩn đoán loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim. Đây là một môn học khó nhưng đòi hỏi sinh viên y khoa phải vượt qua trong quá trình học và thực tập lâm sàng môn Nội khoa. Các bác sỹ lâm sàng nội chung và một số chuyên khoa khác cũng cần phải biết đọc điện tâm đồ một cách cơ bản phục vụ cho chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng bệnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, TS.BSCKII. Cao Trường Sinh, giảng viên bộ môn Nội - Trường Đại học Y khoa Vinh đã biên soạn giáo trình Điện tâm đồ cơ bản nhằm phục vụ cho sinh viên y khoa và các bác sỹ đa khoa thực hành. 

Trong cuốn giáo trình này tác giả đã trình bày 10 bài rất cơ bản, mục tiêu rõ ràng, sắp xếp logic theo các phần từ cơ sở sinh lý học đến sự hình thành các sóng, cách ghi, phương pháp đọc một bản điện tâm đồ đến các hội chứng phì đại cơ tim và các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền rồi đến một số bệnh lý khác trong lâm sàng. Trong mỗi bài đều có hình ảnh là các bản điện tâm đồ mẫu minh họa rõ ràng, dễ nhận biết. Đặc biệt, tác giả đã tập hợp được các bản điện tâm đồ làm bài tập để cho sinh viên tự đọc và có gợi ý kết luận để sinh viên so sánh, đối chiếu kết quả đọc của mình.

Đây là một giáo trình thiết thực và bổ ích đối với sinh viên y khoa và bác sỹ đa khoa thực hành trong quá trình học tập, khám bệnh, chẩn đoán theo dõi và điều trị bệnh nhân.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến sinh viên cùng các bạn đồng nghiệp.

Huế, ngày 01 tháng 7 năm 2015

GS.TS.NGND. HUỲNH VĂN MINH

Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, FACC, FECC

Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam

Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Nội - Đại học Y Dược Huế