LỜI NÓI ĐẦU
Thực hành hóa học là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo sinh viên ngành Hóa học và các ngành liên quan. Giáo trình Thực hành Hóa vô cơ được biên soạn để sử dụng cho các học phần: Thực hành Hóa vô cơ (cho ngành Sư phạm Hóa học và Cử nhân Hóa học - 2TC), Hóa vô cơ (phần thực hành, cho ngành Công nghệ thực phẩm - 1TC), Hóa vô cơ (phần thực hành, cho ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học - 1TC). Nội dung giáo trình gồm 5 phần:
Phần 1. An toàn phòng thí nghiệm hóa học
Gồm các nội dung về an toàn phòng thí nghiệm hóa học, cách cấp cứu tại chỗ ở phòng thí nghiệm và một số quy tắc an toàn trong phòng thí nghiệm hóa học. Phần này có thể dùng làm tài liệu cho sinh viên, cán bộ hướng dẫn, kỹ thuật viên và những người khác làm việc trong phòng thí nghiệm.
Phần 2. Kỹ thuật thí nghiệm hóa học cơ bản
Gồm các nội dung: Giới thiệu một số dụng cụ và thiết bị thường dùng trong phòng thí nghiệm Hóa vô cơ, hướng dẫn các thao tác thí nghiệm cơ bản, cách sử dụng một số thiết bị thí nghiệm.
Phần 3. Điều chế và tính chất của các chất vô cơ
Gồm các thí nghiệm về điều chế, nghiên cứu và chứng minh tính chất các chất vô cơ.
Phần 4. Tổng hợp vô cơ
Gồm các thí nghiệm tổng hợp vô cơ cơ bản (11 bài tổng hợp các hợp chất vô cơ đơn giản sử dụng phổ biến trong phòng thí nghiệm).
Phần 5. Nghiên cứu phức chất
Gồm các thí nghiệm nghiên cứu về sự tạo phức, sử dụng phương pháp phổ UV-VIS nghiên cứu phức chất.
Các bài thí nghiệm được biên soạn với nội dung tương ứng được thực hiện trong một buổi thí nghiệm (4 tiết). Số lượng bài được biên soạn lớn hơn so với số bài được thực hiện trong chương trình đào tạo. Đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên ngành Hóa học trường Đại học Vinh và các trường Đại học, cao đẳng khác. Giáo trình này có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các ngành: ngành Sinh học, Nông học, Môi trường... và cho giáo viên Hóa học ở các trường phổ thông.
Lần đầu tiên được xuất bản nên giáo trình chắc chắn còn có khiếm khuyết, các tác giả rất mong nhận được các ý kiến nhận xét, góp ý của người đọc.
CÁC TÁC GIẢ