Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học nói chung, các trường đại học sư phạm nói riêng đã chuyển từ phương thức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Phương thức đào tạo mới này có tính mềm dẻo, linh hoạt, đã tạo điều kiện cho sinh viên có thể tự lựa chọn thời gian, lịch trình... học tập phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, đào tạo theo tín chỉ cũng đòi hỏi cao ở sinh viên khả năng tự học, tự nghiên cứu.

Sau khi chuyển đổi sang phương thức đào tạo mới, các trường đại học đã tiến hành xây dựng lại chương trình, viết lại giáo trình. Trong chương trình ngữ văn đại học sư phạm hiện nay, phần văn học Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỷ XX đến 1945 được chia làm một hoặc hai học phần (từ đầu thế kỷ XX đến 1930 và từ 1930 - 1945). Giáo trình này, trên quan điểm mới về phân kỳ văn học, chủ trương từ đầu thế kỷ XX đến 1945 là một thời kỳ văn học. Vì vậy, chúng tôi cố gắng trình bày những đặc điểm chung của văn học thời kỳ này trong một cái nhìn hệ thống, xuyên suốt, tuy nhiên, cũng không bỏ qua đặc điểm riêng của văn học từng giai đoạn: giai đoạn giao thời 1900 - 1930 và giai đoạn 1930 - 1945.

Trong quá trình biên soạn, các tác giả có tham khảo một số giáo trình trước đây viết về văn học thời kỳ này, đồng thời cũng tiếp thu những thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, thể hiện tinh thần đổi mới trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, vì hướng tới phục vụ đào tạo theo tín chỉ, chúng tôi chủ trương trình bày các kiến thức một cách hệ thống, tinh giản, chú ý những vấn đề trọng tâm. Mỗi chương của giáo trình, ngoài phần nội dung, có thêm phần yêu cầu cần đạt và phần hướng dẫn học tập, trong đó có giới thiệu các tài liệu tham khảo chính, các câu hỏi, bài tập thực hành, tự nghiên cứu. Các tài liệu tham khảo được sắp xếp theo thứ tự: các giáo trình, các sách chuyên khảo, các sách đọc thêm. Phần câu hỏi, bài tập thực hành, tự nghiên cứu chỉ nên xem là những gợi ý, người dạy có thể thêm bớt, thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.


Giáo trình có cấu trúc gồm ba phần lớn. Phần thứ nhất: Khái quát chung về về văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945. Ở phần này, ngoài chương đầu giới thiệu chung về bối cảnh lịch sử - xã hội - văn hóa, quá trình vận động, đặc điểm và thành tựu của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, chúng tôi trình bày thêm chương hai: Ba trào lưu văn học chủ yếu: văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, văn học cách mạng vô sản. Việc giới thiệu chung cả ba trào lưu văn học trong một chương mà không tách thành ba chương riêng rẽ như một số cuốn giáo trình trước đây là vừa nhằm tinh giản kiến thức, vừa để người học có cái nhìn đối sánh cần thiết. Phần thứ hai: Văn học Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1930, chúng tôi trình bày ba tác giả tiêu biểu: Phan Bội Châu (khuynh hướng văn học yêu nước, cách mạng của các nhà nho duy tân), Tản Đà (mở đầu cho khuynh hướng lãng mạn), Hồ Biểu Chánh (mở đầu cho khuynh hướng hiện thực). Phần thứ ba: Văn học Việt Nam giai đoạn từ 1930 đến 1945, chúng tôi chọn các hiện tượng, các tác gia tiêu biểu của ba trào lưu văn học: văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, văn học cách mạng vô sản.

Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại (từ đầu thế kỷ XX đến 1945) cố gắng kế thừa những ưu điểm của các giáo trình viết về văn học thời kỳ này trước đó. Tuy nhiên, với mục tiêu phục vụ cho việc đào tạo giáo viên trung học phổ thông theo phương thức tín chỉ, đồng thời bám sát khung chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh nên giáo trình có định hướng và cách trình bày riêng. Trong quá trình biên soạn, các tác giả đã có rất nhiều cố gắng, tuy nhiên không thể nào tránh khỏi những sai sót nhất định. Mong nhận được sự góp ý, bổ sung của các giảng viên và sinh viên sử dụng giáo trình, để các tác giả có thể sửa chữa, nâng cao chất lượng trong những lần in sau.

                                                                                                                                                                            CÁC TÁC GIẢ