Cái cụm từ “người đạp xích lô làm thơ” cứ ám ảnh tôi suốt thời gian đọc bản thảo Còn mãi với thời gian. Dĩ nhiên là tôi đọc tập thơ với một tâm thế đầy trân trọng, nâng niu và cảm nhận được cả những ngọt lành và mặn chát trong từng con chữ. Tác giả tập thơ là Nguyễn Văn Hưng. Ông từng là lính B5 đóng quân ở Quảng Trị, Huế (1961-1974), là công nhân Nhà máy ép dầu Vinh (1974 -1986) và cũng là người đạp xích lô cần mẫn nhiều năm trên đường phố thành Vinh. Như một cái duyên, Nguyễn Văn Hưng đã đến với thơ một cách rất tự nhiên. Tập thơ Còn mãi với thời gian chính là tiếng nói nội tâm nhiều cảm xúc, là nỗi ưu tư trước thân phận con người, ghi lại những thời khắc kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của người viết.
Từng là người lính, thơ Nguyễn Văn Hưng trước hết là dòng hồi ức về những năm tháng chiến tranh nhiều đau thương, mất mát. Người đọc dễ dàng bắt gặp ở đây những hình ảnh chân thực, sống động, là kỉ niệm đau đáu một thời của ông: có hình ảnh anh thương binh nằm ở nhà hậu phẩu nóng lòng muốn trở về cùng đồng đội (Tiếng hát); có tiếng nức nở, thiết tha gọi người bạn, người đồng đội đã nằm xuống hi sinh trên mảnh đất Quảng Trị (Tuấn ơi); có nỗi đau của người mẹ tiễn con ra chiến trường và không bao giờ trở lại (Mẹ)… Đó là những ký ức buồn đau vì “Những mất mát không thể nào bù đắp”, vì những sự thật đầy nghiệt ngã của chiến tranh “Tay ôm bạn giã từ là sự thật" (Còn mãi với thời gian). Nhưng đó cũng là những năm tháng nhiều kỉ niệm, đầy tự hào của người lính Nguyễn Văn Hưng. Có cảm giác rằng những năm tháng chiến tranh dù để lại những dư chấn đau đớn nhưng nó cũng chính là một điểm tựa vững chắc để cho người viết nương vào trong suốt chặng đời nhọc nhằn sau đó: mỗi khi mỏi mệt lại gắng đứng lên, mỗi khi nản lòng lại thêm bền chí, để biết phải tránh xa những phồn tạp của cuộc sống mà lặng nhìn “cây thông non trên cát”, mà cảm nhận được vẻ đẹp của “Màu huyết dụ con đường, cánh đồng xanh én liệng” và để “được làm người trung thực với mai sau”…
Nhưng có lẽ ám ảnh nhất đối với người đọc ở tập thơ này chính là những bài thơ viết về cuộc sống thường nhật, về những người lao động bình dị, những kiếp người thiệt thòi, lỡ phận... Đối tượng của mảng thơ này khá phong phú và cụ thể: người cất vó (Cất vó), người đạp xích lô (Ngẫm, Phong trần), người bán bánh mì (Nghe tiếng rao đêm), người bán muối rong (Muối ơi), người hát xẩm (Hát xẩm), và cả những cô gái điếm (Trôi dạt, Gửi Nguyệt)… Viết về lớp người này, ngòi bút Nguyễn Văn Hưng ít nhiều đã định hình cho mình những nét riêng. Theo dõi trên các văn bản thơ, chúng ta thấy rằng Nguyễn Văn Hưng ưa dùng một lớp từ diễn tả nỗi cô đơn, lạc lõng, như: một mảnh, một mình, một vó, lặng lẽ, lạc đàn, lặng nhìn, trống trênh, hoang vắng, lầm lũi… Không gian thơ mà ông hướng đến cũng thường là những buổi hoàng hôn hoặc đêm tối: “Khuyết tròn một mảnh trăng lên” (Cất vó), “Tâm sự với đêm đêm lặng không màu” (Với đêm), “Anh trong đêm, em bán dạo trong đêm” (Nghe tiếng rao đêm), “Hoàng hôn chìm ngập lối” (Trôi dạt); “Em đi, em đi trong chiều chập choạng” (Hát xẩm)… Chính vì vậy, đối tượng trữ tình trong thơ ông thường hiện ra trong dáng vẻ cô đơn, nhọc nhằn, nhiều bươn chải và vất vả trong cuộc mưu sinh. Ông đã viết về họ với tất cả sự thấu hiểu và niềm đồng cảm, có những hình ảnh, những câu thơ đầy ám ảnh. Và cũng chính trong mảng thơ này, bức chân dung tinh thần của tác giả cũng sơ bộ được phác họa: có nỗi cô đơn, tủi hờn, bế tắc “Tâm sự với đêm đêm lặng không màu” (Với đêm), có trầm ngâm, suy tư (Thất tuế, Bạc mệnh, Khập khiếng, Lũ), có gắng gượng, bươn chải “Lặng lẽ căng gân mà đạp” (Ngẫm), nhiều lúc cũng mệt mỏi, muốn buông một tiếng thở dài: “Năm mới đến nỗi buồn vẫn cũ/ Đạp xích lô chưa biết đến bao giờ” (Với thơ) và có lúc dường như cũng chẳng thể kìm nén mãi, đành phải kêu lên: “Bớ cái chi chi, kiếp phong trần!” (Phong trần)…
Nhưng, nếu nói những nhọc nhằn, cô đơn, mệt mỏi là mảng trầm của bức chân dung thì những nét vẽ tươi tắn hơn chính là cái bình thản, cái gắng gỏi, kiên cường, bản lĩnh của người làm thơ: “Cái bĩu môi của người giàu không làm tôi xấu/ Lời khen của người nghèo không làm mình tốt hơn/ …/ Người đạp xích lô thản nhiên nhìn cây thông non trên cát/ Và con đường trước mặt gió ru” (Ngẫm) . Cả hai đặc điểm trên đã khắc họa khá rõ nét bức chân dung tinh thần của người thợ, người đạp xích lô mặc áo lính làm thơ.
Nói như ý một bài thơ ông từng viết: dù ngày tháng luôn mới mẻ, nỗi buồn thì vẫn cũ, vòng quay của chiếc bánh xích lô vẫn không biết bao giờ thì dừng lại, nhưng con người thì vẫn luôn bình thản, yêu đời và không thể dứt nợ với thơ ca “Vẫn yêu đời vật vã với trang thơ” (Với thơ). Những “vật vã” thật đáng trân trọng ấy đã cho người đọc biết đến một tập thơ còn mang hơi thở của nhọc nhằn, còn lem thấm vị mặn chát của mồ hôi, dù còn thô mộc trong câu chữ, vần điệu, nhưng thật đáng quý lắm thay một tâm hồn nhạy cảm, giàu rung động, biết suy tư trước cái đẹp, trước thân phận con người, trước những vạn biến, vô thường của cuộc sống. Dù tác giả có tâm sự: làm thơ là để mong rằng con cháu của ông sẽ đọc được và biết trân trọng hơn những gì ông đã viết, nhưng chúng ta vẫn hi vọng rằng tập thơ Còn mãi với thời gian sẽ đi xa hơn thế nữa…
Vinh, tháng 10/2015
PGS.TS. Đinh Trí Dũng