LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách có tên gọi xem ra ít hấp dẫn, vì gợi nghĩ tới những điều tưởng đã được giải quyết từ lâu của lý luận văn học (thực ra, tưởng thế là lầm). Tác giả của nó - Lê Thanh Nga - chắc đã ý thức được điều này khi dự đoán tâm lý tiếp nhận của độc giả bây giờ, kể cả độc giả trong môi trường học thuật. Nhưng biết làm sao khi sự thực các bài viết được tập hợp trong cuốn sách, dù viết về những đề tài, không gian văn học và thời kỳ văn học khác nhau, với những quy mô, dung lượng khác nhau, lại có chung một mối quan tâm: cách thức tồn tại của văn học như một hoạt động tinh thần thiết yếu của con người; mối quan hệ không thể rũ bỏ giữa văn học và hiện thực đời sống; chân dung của con người, trước hết là chủ thể sáng tạo, hiển lộ đằng sau những hình thức biểu đạt, từ tự nhiên, bình dị nhất tới kì dị, phi lý nhất... Có một chút gì như là sự ương gàn trong cách tiếp cận các vấn đề văn học, trong việc theo đuổi những quan niệm riêng về đời sống, về hoạt động sáng tạo ngôn từ được bộc lộ ở đây chăng? Dám gạt đi những lối diễn đạt màu mè (dễ thực hiện) để chuyên nhất trầm tư về các giá trị cốt lõi, đó chưa bao giờ là việc dễ làm, do vậy, ít khi là lựa chọn của số đông người nghiên cứu - phê bình hiện nay.

Không phải Lê Thanh Nga không rành những lý thuyết phê bình hiện đại. Thực tế, nhiều lúc anh đã vận dụng chúng vào việc đọc các tác phẩm văn chương, từ cổ điển đến hiện đại, từ thơ đến truyện ngắn, tiểu thuyết, từ sáng tác của các nhà văn Việt Nam đến sáng tác của các nhà văn nước ngoài một cách khá nhuần nhuyễn. Nhưng có lẽ anh thích hơn, xem trọng hơn việc được sống, được thể hiện mình qua những cuộc tiếp xúc, đối thoại với văn học. Các tác phẩm, hiện tượng mà anh tìm đến giúp anh có điều kiện phơi mở nội tâm của mình - một thế giới vừa u uẩn lại vừa bị thôi thúc bởi khát vọng tự khẳng định. Đối với anh, tác phẩm thực sự lớn hay tác phẩm chỉ đạt mức tầm tầm đều có khả năng khơi lên một điều gì đó đáng suy nghĩ. Tất cả tùy thuộc vào định hướng nghiên cứu - phê bình của tác giả. Bởi thế, anh đã đối xử trang trọng với mọi đối tượng (tác giả, tác phẩm) được trò chuyện. Đó cũng là một cách thể hiện thái độ tự tôn, tự trọng trước hành động viết và trước những gì mình đã viết ra.

Có một giọng quả đoán, tự tin trong các nhận định, kết luận toát lên từ hầu hết bài viết của cuốn sách. Nhiều khi anh có lý, cũng đôi khi anh chưa có lý với giọng này. Nhưng tôi thấy bị lôi cuốn nhiều hơn bởi giọng thiết tha thấm đượm trong từng dòng văn - một giọng thiết tha tự thân, không hề cố ý, kết quả của cái nhìn nghiêm túc, đôi khi hơi “trầm trọng” đối với văn chương trong tư cách là điểm hội tụ của muôn vàn quan hệ cuộc đời. Anh đã tự chứng tỏ khiếu hài hước, nhưng đó là một kiểu hài hước rất... thiết tha. Có cảm tưởng khi viết, anh thường phải phân vân, nửa muốn dừng, nửa muốn nói nhiều hơn nữa về các vấn đề thời sự, thế sự từng va đập vào tâm trí anh, khiến anh thao thức. Tuy nhiên, do tôn trọng logic cấu tứ của từng bài mà anh phải tiết chế, và bởi sự tiết chế đó mà độ mở hay khả năng khơi gợi đối thoại của các trang viết được nhân lên.   

Phạm vi đọc hay diện vấn đề quan tâm của Lê Thanh Nga khá rộng. Có đến một phần ba tập sách dành để nói về những gì đã thành “di sản”, còn lại là bàn tới các vấn đề của văn học đương đại. Anh chuyên nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại, nhưng sở trường không chỉ ở đó. Xem cách trao đổi tuy khiêm cung nhưng có chủ kiến rành mạch của anh về cách đọc/ dịch một câu đối của Phan Bội Châu, cách anh biểu tỏ sự đồng cảm của mình với hai văn tài ở hai đầu xứ Nghệ là Nguyễn Thiếp và Nguyễn Hữu Chỉnh, cách anh nhìn nhận đầy thấu hiểu với những lựa chọn trong cuộc đời và trong sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm..., ta hoàn toàn có đủ căn cứ để xác nhận tư cách nghiên cứu chững chạc của anh về một số vấn đề văn học trung đại. Bước sang vùng trời văn học hiện đại/ đương đại, anh có nhiều điều kiện hơn để bàn sâu, nói kỹ, nói trúng về những gì đang khiến cả một nền văn học phải trăn trở, kiếm tìm. Số tác giả, tác phẩm được anh bàn tới không nhiều nhưng cái gì đã được lựa chọn đều không ngẫu nhiên, xét từ ý nghĩa đích thực của hiện tượng tới một vài vấn đề thuộc phạm vi giao tiếp, môi trường công tác thực tế, cụ thể của anh. Điều đáng nói là, dù đề cập những tác giả, tác phẩm xưa hay tác giả, tác phẩm đang kiến tạo nên bộ mặt của văn học hôm nay, anh đều muốn soi chiếu đối tượng dưới góc nhìn văn hóa, chí ít cũng không muốn dừng ở việc thẩm định đối tượng dưới góc nhìn thuần túy văn chương (mà thực sự có cái gọi là thuần túy văn chương sao?). Điều này xảy ra như một lựa chọn tự nhiên, do tạng chất con người và do kiến văn dày dặn đã tích lũy được. Nhưng thách thức đối với anh cũng nảy sinh từ đây. Người đọc có thể tìm thấy trong tập sách một số khái quát còn vội vàng hoặc cần được luận chứng đủ đầy hơn nữa. Dù sao, hướng đi của anh rất cần được khẳng định và chia sẻ.

Qua tập sách, dễ nhận thấy hai đối tượng nghiên cứu - phê bình đặc biệt tâm đắc của Lê Thanh Nga là F. Kafka và Nguyễn Huy Thiệp. Về các tác giả này, người ta đã nói tới quá nhiều. Nhưng Lê Thanh Nga vẫn có được những phát hiện không giống ai, sâu sắc và độc đáo. Rõ ràng, anh đã đến với F. Kafka, với Nguyễn Huy Thiệp không phải vì “nhiệm vụ” - nhiệm vụ nghiên cứu trong quá trình phải hoàn tất các bậc học - mà vì một sự gặp gỡ, “tìm thấy” nào đó, vừa giải thích được vừa khó giải thích. Người đọc có thể chưa tán thành với anh ở một số luận điểm nhưng khó mà phủ nhận điều này: với hai tác giả đó, anh đã có được nhiều cơ hội để tự bộ lộ mình, từ tố chất nghệ sĩ, kẻ sĩ (điều này, do những quan hệ riêng, tôi thấy rõ) đến bản lĩnh học thuật.

Muốn tự bộ lộ trọn vẹn mình trong các tiểu luận khoa học, việc đó khá phù phiếm và đôi khi... nguy hiểm. Nhưng văn chương cũng là cuộc đời, bàn chuyện văn chương là bàn chuyện cuộc đời, không thể hiện hết mình trong đó, chả hóa ta chỉ là một kẻ sống rất ơ hờ, phù phiếm hay sao? 

                                                                                                                                                   PGS.TS. PHAN HUY DŨNG