Tại Việt Nam, kể từ khi Văn miếu đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội năm 1070, các triều đại phong kiến tiếp theo đã cho xây Văn miếu ở nhiều vùng miền trải dài từ Bắc vào Nam. Đây là những di tích lịch sử gắn liền với nền giáo dục và khoa cử Nho học, nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết, Tiên hiền, Tiên Nho… của quốc gia và địa phương. Hà Tĩnh là địa phương có truyền thống hiếu học, các thế hệ người Hà Tĩnh luôn có ý thức trao truyền, gìn giữ truyền thống này trong suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, từ lâu văn thánh, văn miếu cũng đã được xây dựng ở nhiều nơi trên vùng đất này. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khách quan như thiên tai, chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời gian, những di tích này của Hà Tĩnh hiện nay đã xuống cấp, trở thành phế tích, nhiều di tích chỉ còn lại trong hồi tưởng của một số người cao tuổi.

Là người làm công tác quản lý văn hoá, từ năm 2011, TS. Nguyễn Tùng Lĩnh đã bắt đầu điền dã, khảo sát, tập hợp và nghiên cứu một cách hệ thống di tích văn miếu, văn thánh ở địa bàn Hà Tĩnh và đến nay đã cho ra đời tập sách Văn miếu, Văn thánh Hà Tĩnh.

Cuốn sách gồm 3 phần. Phần I giới thiệu về Văn miếu Hà Tĩnh. Ở phần này, tác giả cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát về văn miếu ở Hà Tĩnh; nắm được cụ thể tiểu sử, hành trạng các vị thờ tại thượng điện như Chu Văn An, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du. Cũng trong phần này, các bia đề danh tại văn miếu Hà Tĩnh cũng được tác giả đưa vào theo trình tự thời gian. Ngay sau đó, tiểu sử, hành trạng của các vị đỗ đạt ở các khoa thi cũng được viết một cách cụ thể, với sự khảo sát nghiêm túc, công phu, thể hiện một tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, khoa học của tác giả.

Ở phần II, cuốn sách tập trung giới thiệu các văn miếu, văn thánh tại các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh, như: Văn miếu Phuơng Cần, Văn miếu Tiên Điền, Văn thánh Đức Nhân, Văn thánh Đức Thuận, Văn miếu Kỳ Anh, Văn thánh Lai Thạch, Văn thánh Long Phúc, Đền văn thánh Hương Nao, Nhà văn thánh Tường xá, Văn thánh Yên Hội… Ở các bài viết này, di tích văn miếu, văn thánh được tiếp cận trên một số bình diện như lịch sử xây dựng, tình trạng của di tích đó trong dòng chảy của thời gian, lịch sử dân tộc và hiện trạng.

Phần III là một số hình ảnh tư liệu minh hoạ cho những hoạt động của chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh trong việc bảo tồn các di tích văn thánh, văn miếu và các hình ảnh trong quá trình trùng tu các di tích đó.

Để biên soạn cuốn sách này, tác giả đã sử dụng nhiều tư liệu để tra cứu, đối chiếu, tổng hợp, cẩn thận trong việc xử lý và xác định thông tin. Với ưu thế là người làm công tác quản lý văn hoá tại tỉnh Hà Tĩnh, TS. Nguyễn Tùng Lĩnh có thuận lợi trong việc điền dã, khảo sát thực tế, đặc biệt là tiếp xúc trực tiếp với nguồn gia phả của các dòng họ. Chính vì vậy, ở cuốn sách này, có nhiều thông tin của các danh nhân đã được cập nhật, bổ sung như năm sinh, năm mất, quê quán, khoa thi, chức quan…; thậm chí có những vấn đề liên quan đến hành trạng của của các tiền nhân được ghi trong sách vở trước đây chưa chính xác, đã được tác giả tiếp tục khảo sát, nghiên cứu một cách nghiêm túc và chỉnh lý. Có thể nói rằng cuốn sách là một công trình khảo cứu công phu, nghiêm túc và đầy trách nhiệm của TS. Nguyễn Tùng Lĩnh.

Những năm qua, di sản văn hóa được nhận diện và xác định là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh ấy, việc xuất bản cuốn sách Văn miếu, Văn thánh Hà Tĩnh có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tại tỉnh Hà Tĩnh. Sách cũng là tài liệu tham khảo hữu ích trong việc tra cứu danh nhân khoa bảng, tìm hiểu một số di tích lịch sử - văn hoá của vùng đất hiếu học này. Nhà xuất bản Đại học Vinh trân trọng giới thiệu cuốn sách Văn miếu, Văn thánh Hà Tĩnh của TS. Nguyễn Tùng Lĩnh tới bạn đọc.

Tin bài: NXB ĐHV