Trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, Trường Đại học Vinh xác định chiến lược và định hướng phát triển chung của Nhà trường với Tầm nhìn hướng đến mục tiêu trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1.000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045. Đồng thời, với Sứ mạng của Trường Đại học Vinh là cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế. Xây dựng Trường Đại học Vinh thành một cơ sở giáo dục đại học năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tự do học thuật trên tinh thần dân chủ, tự chủ, bình đẳng.

Chương trình đào tạo là yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, xu thế phát triển chương trình đào tạo được thực hiện dựa trên chuẩn đầu ra được xác định bởi các bên liên quan (cơ quan quản lí nhà nước, cơ sở giáo dục đại học, người học, nhà tuyển dụng,...). Nhìn chung, phát triển chương trình đào tạo hiện đang được giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học dựa trên khả năng đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng nói chung và kiểm định chất lượng nói riêng. Ở Việt Nam, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được triển khai thực hiện theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT và đã có hơn 1.000 chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn quy định trong Thông tư này.

Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo hay rộng hơn là đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo đã trở thành "văn hóa chất lượng″ trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Tuy vậy, khi xem xét kết quả kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT thì điểm hạn chế của các cơ sở giáo dục đại học là phát triển chương trình dạy học. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở giáo dục đại học chưa xây dựng một cách hệ thống quy định để cụ thể hóa các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng vào thực tiễn đơn vị và các bên liên quan.

Khi tiếp cận theo chu trình cải tiến chất lượng PDCA (Plan - Do - Check - Act) cho thấy, “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển chương trình đào tạo hiện nay là chưa đánh giá được kết quả học tập theo chuẩn đầu ra. Năm 2017, Trường Đại học Vinh đã xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO gồm 12 tiêu chuẩn. Việc áp dụng các tiêu chuẩn CDIO bước đầu đã tạo nên sự thay đổi về công tác phát triển chương trình đào tạo của Nhà trường. Với sự bùng nổ của tri thức và công nghệ, yêu cầu của các bên liên quan (đặc biệt là nhà tuyển dụng) không ngừng tăng lên, năm 2022, Nhà trường đã điều chỉnh tầm nhìn trở thành đại học thông minh, hướng tới các chuẩn mực quốc tế cho tất cả các ngành đào tạo. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các quy định về Đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và một số tiêu chuẩn quốc tế theo lộ trình hội nhập. Trước những yêu cầu thực tiễn này, Trường Đại học Vinh đã triển khai xây dựng bộ tiêu chuẩn về Bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo″ phiên bản 1.0 (gọi tắt là Bộ chuẩn VU-PQA 1.0).

 

Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 được xây dựng dựa trên Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á phiên bản 4.0 ban hành năm 2020 (viết tắt là AUN-QA 4.0); bộ chuẩn CDIO phiên bản 3.0 của viện MIT (Hoa Kỳ) và một số trường đại học hàng đầu châu Âu, ban hành năm 2022 (viết tắt là CDIO 3.0); bộ chuẩn kiểm định chương trình đào tạo của Việt Nam; mô hình tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra được phát triển bởi Trường Đại học Vinh.

Bộ chuẩn Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh ra đời kèm theo hướng dẫn chi tiết phù hợp với thực tiễn phát triển của Nhà trường, các quy định của quốc gia, thông lệ quốc tế và giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển chương trình đào tạo. Cấu trúc của Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 được xây dựng tương đồng với cấu trúc Bộ chuẩn AUN-QA 4.0, gồm có 8 tiêu chuẩn với 53 tiêu chí, bao gồm:

Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo (gồm 6 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 2: Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học (gồm 7 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 3: Phương thức dạy học (gồm 5 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 4: Đánh giá kết quả học tập của người học (gồm 7 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (gồm 8 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 6: Các dịch vụ hỗ trợ người học (gồm 6 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 7: Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị (gồm 9 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 8: Đầu ra và kết quả đạt được (gồm 5 tiêu chí).

      Để hiện thực hóa Tầm nhìn và Sứ mạng của Nhà trường, Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 đặt ra mục tiêu chung là phát triển tất cả chương trình đào tạo của Nhà trường đạt yêu cầu tối thiểu cả 53 tiêu chí (tương ứng với đạt mức 4/7 theo thang đo của bộ chuẩn AUN-QA 4.0); một số tiêu chí đạt kết quả xuất sắc (tương ứng với đạt mức 5/7 theo thang đo của bộ chuẩn AUN-QA 4.0), gồm các tiêu chí cụ thể như sau:

        Tiêu chí 1.2: Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo;

       Tiêu chí 2.2: Chương trình dạy học được thiết kế tương thích với chuẩn đầu ra;

       Tiêu chí 3.4: Dạy học hướng người học tới tư duy sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp;

       Tiêu chí 4.5: Các phương pháp đánh giá giúp đo lường được chuẩn đầu ra;

       Tiêu chí 7.4: Hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của cán bộ và người học.

       Nội dung Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 được cấu trúc thành 3 phần: Phần 1 giới thiệu các định nghĩa và thuật ngữ đưc dùng trong bộ chuẩn; Phần 2 trình bày nội dung của Bộ chuẩn VU-PQA 1.0; Phần 3 gồm các phụ lục, biểu mẫu phục vụ cho quá trình triển khai theo quy trình quản lí chất lượng. Tài liệu này được biên soạn cho các giảng viên, chuyên viên, người học và các đơn vị trong toàn trường thực hiện. Cuối từng tiêu chí là bảng các minh chứng cần đạt cho mỗi tiêu chí, trong đó nêu các minh chứng cụ thể, yêu cầu của minh chứng, thời gian hoàn thành và phân nhiệm cho từng cá nhân hoặc đơn vị chủ trì thực hiện.

       Điểm nổi bật của Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 chính là việc áp dụng và vận hành bộ công cụ đáp ứng đồng thời yêu cầu của các bộ chuẩn trong nước và quốc tế, thông qua việc tích hợp các mô hình tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá hiện đại. Bởi vậy, Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 không chỉ tạo định hướng cho hoạt động dạy học hiệu quả mà còn giải quyết “điểm nghẽn” hiện nay về phát triển chương trình đào tạo theo chu trình cải tiến chất lượng P-D-C-A nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội.

       Trong quá trình xây dựng Bộ chuẩn VU-PQA 1.0, Ban Biên soạn đã chọn lọc, kế thừa và cập nhật các thông tin phù hợp nhất với bối cảnh và định hướng phát triển của Trường Đại học Vinh. Trong quá trình triển khai áp dụng vào thực tiễn, Nhà trường mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của các bên liên quan để Bộ chuẩn được hoàn thiện tốt hơn ở phiên bản tiếp sau.

Nhà xuất bản Đại học Vinh và Ban Biên soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, các đồng nghiệp và các em sinh viên, học viên tóm tắt nội dung cuốn sách tại địa chỉ link: bo_chuan_bao_dam_chat_luong_ctdt_dhv_10.pdf

       Trân trọng cảm ơn!

                                                                  Tin bài: BAN BIÊN SOẠN & NXB ĐHV